‘Tranh cãi’ sử dụng tài nguyên cầu thủ trẻ tại Việt Nam

19/06/2022 07:48 GMT+7

Bóng đá Việt Nam có nguồn cầu thủ trẻ khá phong phú, nhưng việc sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên ấy lại luôn là bài toán khó giải. Vấn đề này đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Quan điểm không đồng nhất

HLV Park Hang-seo đã có tổng cộng 5 lần bày tỏ sự quan ngại về tình trạng không có nhiều CLB sử dụng cầu thủ trẻ tại sân chơi quốc nội. Ông từng chia sẻ với Thanh Niên: “Rất ít cầu thủ U.23 được thi đấu trong đội hình chính của các CLB tại giải vô địch quốc gia. Cũng như các tiền đạo nội gần như mất hút. Tôi rất lo bởi nếu các cầu thủ trẻ cứ tiếp tục không có cơ hội ra sân, đội tuyển sẽ gần như không có đội ngũ kế cận. Nên chăng tham khảo mô hình phát triển bóng đá của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc để áp dụng cho bóng đá Việt Nam... Họ khá chú trọng việc sử dụng nhân tố trẻ ở các giải đấu trong nước.

Tuyển thủ U.23 Việt Nam nói về HLV Gong: "Các bạn cứ làm, tôi chịu trách nhiệm'

Trong khi đó, tại Việt Nam các CLB thường phản đối xu hướng này và chúng ta cũng có thể hiểu lý do họ phản đối vì các đội phải đặt lợi ích của mình lên trên. Nhưng ở cấp độ quản lý nhà nước, ngành thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên sớm có ý kiến để thực hiện theo mô hình của những nền bóng đá mạnh ở châu lục hay Đông Nam Á”.

Cầu thủ trẻ VN (trái) sẽ nâng cao được trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh nếu thực chiến nhiều

PHÚC THẮNG

Chuyên gia Đoàn Minh Xương lại bày tỏ quan điểm khác: “VFF và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có thể gợi ý, đề nghị hỗ trợ các đội bóng chứ không thể can thiệp thô bạo vào cách sử dụng người của các CLB. Vì V-League là sân chơi chuyên nghiệp, mỗi đội tốn hàng chục tỉ đồng, thậm chí cả trăm tỉ đồng/năm. Mỗi ông bầu của đội bóng V-League phải đầu tư rất nhiêu tiền của để nuôi đội 1 cũng như đội trẻ. Thành tích, thắng bại là chuyện sống còn của mỗi CLB nên không thể bắt ép họ được. Nếu cầu thủ trẻ không thể cạnh tranh được thì họ rất khó có chỗ đứng tại CLB. Không phải cầu thủ trẻ nào cũng được tạo điều kiện thi đấu sớm tại V-League. Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 2000); Bùi Hoàng Việt Anh, Lý Công Hoàng Anh (1999) đều đã có vài năm đá V-League vì sớm khẳng định được tài năng. Bóng đá chuyên nghiệp là môi trường cạnh tranh rất khắc nghiệt”.

Làm cách nào để hài hòa ?

Sự lãng phí tài năng trẻ, làm thui chột năng lực cầu thủ có thể dẫn đến hệ lụy là sự kém phát triển của cả nền bóng đá. Vì thế làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các bên, không can thiệp thô bạo vào cách dùng người của CLB mà vẫn đảm bảo được tính kế thừa ở đội tuyển, là bài toán mà VFF và các đội cùng phải giải quyết.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng nói: “Tôi chưa thấy VFF có thống kê cụ thể hiện tại các CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam có bao nhiêu cầu thủ trẻ, chỉ số kỹ thuật cụ thể như thế nào, số phút họ được thi đấu tại V-League hay ở các giải đấu quốc tế là bao nhiêu. VFF nên sớm hoàn thiện việc thống kê này, sau đó tiến hành khảo sát tình hình sử dụng cầu thủ trẻ ở mỗi CLB và VFF có thể tạo ra một “thị trường” trao đổi cầu thủ trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp cũng như ngoài chuyên nghiệp tại Việt Nam. Việc thống kê và khảo sát sẽ giúp VFF biết được đội nào thừa cầu thủ trẻ, đội nào thiếu; hay các vị trí mà các đội có nhu cầu. Từ đó có thể để các đội trao đổi cầu thủ với nhau theo dạng chuyển nhượng hoặc cho mượn”.

Từ đội V-League đi hạng nhất chưa chắc là bước lùi

HLV Phạm Minh Đức cho biết thêm: “Đào tạo ra một lứa cầu thủ rất quan trọng và nếu họ không được thi đấu thì sẽ thui chột, mất phong độ, dần dần đi xuống. Lứa sinh năm 1997 của CLB Hà Nội có Thành Chung, Quang Hải từng đá hạng nhất sau đó khẳng định mình ở đội 1. Hoàng Anh, Văn Công sinh năm 1999 nếu không đi đội Hà Tĩnh thì sao được như bây giờ. Tôi cho rằng cầu thủ trẻ cần được thi đấu nhiều. Ở tuổi 18 phải được đá ở hạng nhất. Từ đội V-League đi hạng nhất chưa chắc là bước lùi, thậm chí ngược lại. Năm 2015, đội Hà Nội B của HLV Đức Thắng có Quang Hải, Đình Trọng, còn Thành Chung đá cho CAND và sau đó họ đang ở tầm vóc như hiện tại”.

Cũng theo bình luận viên Ngô Quang Tùng: “Chúng ta có thể tham khảo cách làm của bóng đá Malaysia hay Singapore khi họ thành lập đội U.19 hay U.20 với khoảng 20 cầu thủ “gà nòi”, cho tham dự giải vô địch quốc gia, nhằm tạo điều kiện cọ xát với những đàn anh. Tính hiệu quả của cách làm này còn đang được xem xét vì hiện tại thành tích của bóng đá Malaysia hay Singapore cũng không tốt ở cả cấp độ đội tuyển lẫn đội trẻ. Nhưng tại sao chúng ta không thử mạnh dạn áp dụng, vì biết đâu mô hình nói trên lại phù hợp với nền bóng đá Việt Nam. Tức là cũng chọn khoảng 30 - 40 cầu thủ trẻ dạng tiềm năng, hướng tới World Cup 2026, lập 1 đội và cho thi đấu tại V-League. Đây có thể tạm coi là chiến thuật hay chiến lược ngắn hạn để bóng đá Việt Nam chuẩn bị cho những sân chơi tầm cỡ ở tương lai gần. Chúng ta có nhân lực triển vọng mà không biết sử dụng đúng cách, không cho họ cơ hội thực chiến thì quả là vô cùng lãng phí”.

Tham chiếu ngay đội bóng trong nước

Mô hình phát triển và sử dụng tài năng trẻ ở CLB Hà Nội cũng đáng để các CLB khác trong nước học tập. Không phải ngẫu nhiên mà CLB này luôn là một trong những cái nôi cung cấp nhiều cầu thủ nhất cho đội tuyển lẫn các đội trẻ quốc gia. Từ năm 2013 - 2018, trong số 58 cầu thủ được đào tạo tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội, có 22 cầu thủ được đá ở

đội 1 CLB Hà Nội như Đức Huy, Duy Mạnh, Văn Kiên, Quang Hải, Đình Trọng, Thành Chung, Văn Hậu... 36 cầu thủ còn lại được tạo điều kiện cho mượn, “biệt phái” khắp từ nam ra bắc, khoác áo một loạt CLB như Sài Gòn, Quảng Nam, CAND, Phù Đổng, Phú Thọ, Hà Tĩnh, An Giang… Riêng mùa bóng 2022, lứa U.21 Hà Nội có 6 cầu thủ được đôn lên tập cùng đội 1 và 22 cầu thủ được đầu quân cho các đội Quảng Nam, Phù Đổng, Phú Thọ, Hòa Bình và Đắk Lắk dưới dạng cho mượn.

Từng là Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội và nay là Trưởng ban đào tạo trẻ CLB Hà Nội, HLV Phạm Minh Đức chia sẻ: “Mỗi năm trung bình CLB Hà Nội có khoảng 5 cầu thủ U.21 được đôn lên tập trung cùng đội 1, còn lại đi hạng nhất dưới dạng cho mượn để được trau dồi kinh nghiệm. Cầu thủ nào thể hiện tốt sẽ được gọi về bổ sung cho đội lớn. SLNA cũng thực hiện cách làm này từ rất lâu rồi. Hiện tại, trong đội U.23 Việt Nam có 6 cầu thủ Hà Nội gồm Việt Anh, Tiến Long, Văn Trường, Hai Long, Văn Chuẩn, Văn Tùng. Văn Trường hiện thuộc biên chế U.19 nhưng chúng tôi sẽ xem xét để có thể đưa em lên đội 1 sớm và rèn giũa dần. So với những vị trí trụ cột ở đội Hà Nội, trình độ của các cầu thủ trẻ chưa thể sánh bằng, nhưng tất nhiên CLB sẽ luôn cố gắng tạo điều kiện để các cầu thủ U.23 Việt Nam được vào sân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.