Tranh cãi thể thức thi đấu 'độc, lạ' của V-League 2021

10/11/2020 08:59 GMT+7

Trước khi các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2020 khép lại, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã lên phương án dự kiến cho mùa giải mới và nếu được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua, V-League và hạng nhất 2021 có thể sẽ lại được tổ chức theo thể thức “độc, lạ” như giải đã qua.

V-League 2021 vẫn có 2 giai đoạn

Theo kế hoạch dự kiến, trận Siêu cúp quốc gia (giữa đội tân vô địch V-League 2020 Viettel và đội vô địch Cúp quốc gia 2020 Hà Nội FC) sẽ diễn ra ngày 30.1.2021. Cúp quốc gia 2021 sẽ tổ chức từ ngày 5.2 - 30.9.
V-League dự kiến sẽ khởi tranh ngày 19.2. 14 CLB sẽ thi đấu giai đoạn 1 từ vòng 1 (các ngày 19, 20, 21.2) đến vòng 13 (các ngày 23, 23, 25.7). Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 30.7. Nhóm A gồm 8 đội tranh vô địch sẽ thi đấu đến ngày 19.9. Nhóm B gồm 6 đội tranh suất trụ hạng sẽ kết thúc sớm hơn, vào ngày 29.8. Giải hạng nhất dự kiến bắt đầu từ ngày 20.2, sau đó cũng tách nhóm. Giai đoạn 2 của nhóm A tranh suất lên hạng V-League 2022, kết thúc ngày 18.9. Nhóm B kết thúc ngày 28.8. Dự kiến năm sau, có thể sẽ có trận playoff vào ngày 29.9, giữa đội á quân hạng nhất và áp chót nhóm B V-League 2021, lấy đội thắng đá V-League năm sau.
Sở dĩ VPF vẫn muốn duy trì thể thức thi đấu như năm 2020, chia mùa giải thành hai giai đoạn mà không đá lượt đi lượt về vì năm 2021, bóng đá Việt Nam dồn dập các giải trong nước và quốc tế. Do nhiều giải đã bị hoãn trong năm nay (ảnh hưởng của Covid-19) và chuyển sang năm sau nên VFF cũng đã phác thảo sơ bộ lịch tập trung của các đội tuyển nam trong năm 2021. Theo đó, đội tuyển quốc gia sẽ hội quân thành 5 đợt để phục vụ vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup (dự kiến từ 11.4 - 8.5): Đợt 1 từ ngày 22 - 30.3, đợt 2 từ 31.5 - 8.6, đợt 3 từ 30.8 - 7.9, đợt 4 từ 4 - 12.10, đợt 5 từ 8 - 16.11. Đội U.23 Việt Nam sẽ dự vòng loại U.23 châu Á tại Việt Nam từ 23 - 31.10. Sau đó là SEA Games 31. Ngoài ra, năm sau, Việt Nam sẽ có 3 đại diện dự các giải châu Á, gồm Viettel dự AFC Champions League (khởi tranh từ 8.2 - 27.11) và Hà Nội FC, Sài Gòn FC dự AFC Cup (khởi tranh từ 9.2 - 6.11). Lịch chồng chất như trên, nếu V-League vẫn giữ trọn vẹn 26 trận như mùa giải 2019 trở về trước, các cầu thủ có thể sẽ rơi vào tình trạng quá tải.

Quan điểm trái chiều

Tuy nhiên trên đây mới là những dự kiến mà VPF sẽ phải trình Ban Chấp hành VFF thông qua. Ý tưởng chia giải đấu thành hai giai đoạn rồi tách nhóm, gây ra hai luồng ý kiến trái chiều. HLV Trương Việt Hoàng của đội Viettel cho biết: “Do điều kiện khách quan mà V-League 2020 buộc phải thay đổi phương thức thi đấu. Tôi thấy hay. Mùa giải năm sau nên áp dụng. Nếu giữ thể thức lượt đi lượt về, vẫn có đội sẽ tính toán. Còn chia luôn nhóm tranh vô địch và tranh trụ hạng ngay giai đoạn 1, bắt buộc các đội phải dồn lực mà đấu vì không còn thời cơ làm lại ở giai đoạn 2. Tôi ủng hộ thể thức tách nhóm vì không đội nào còn thụ động được nữa”.
Còn HLV Phạm Minh Đức (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) lại có quan điểm khác: “Tôi ủng hộ thể thức truyền thống đá vòng tròn lượt đi và lượt về. Từ xưa đến nay, đó vẫn là chủ đạo ở châu Âu hay thế giới cũng như Việt Nam. Năm nay, V-League chuyển sang thể thức tách nhóm và chia làm 2 giai đoạn vì dịch Covid-19. Nhờ đá kiểu này mà Hồng Lĩnh Hà Tĩnh may mắn trụ hạng sớm. Sang năm, nếu muốn tiết kiệm thời gian hoàn toàn có thể chia đều 14 đội thành 2 bảng, mỗi bảng 7 đội theo khu vực đá vòng tròn 2 lượt. Mỗi bảng chọn ra 2 đội có thành tích tốt nhất tạo thành nhóm 4 đội tranh vô địch.
4 đội kém nhất 2 bảng tranh trụ hạng giống giải hạng nhì đang đá. Muốn “kích thích mạo hiểm” chúng ta có thể đá V-League theo kiểu “nhanh và nguy hiểm” này, chia bảng ra theo khu vực địa lý giống các giải trẻ hiện nay vẫn đang áp dụng. Nhưng chúng tôi vẫn muốn đá 26 lượt. Nếu cần thì 5 ngày đá 1 trận, đá 5 trận tạm nghỉ cho các đội hồi phục rồi đá lại. Quan trọng nhất là bố trí thời gian cho phù hợp với kế hoạch của đội tuyển quốc gia và U.22 Việt Nam, chưa kể mùa mưa bão ở Việt Nam”.
Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ của Dược Nam Hà Nam Định thì lại đang phân vân: “V-League vẫn nên chơi như cũ, vì cách đá tách tốp chia làm 2 giai đoạn có rất nhiều vấn đề. Đương nhiên điều gì cũng có ưu và nhược của nó. Thể thức thi đấu mùa 2020 cũng tốt thôi. Vấn đề không chỉ là tiết kiệm thời gian mà cái chính đội nào cũng phấn đấu vào nhóm A (tốp 8 đội xếp trên chắc chắn trụ hạng - PV). Điều này giúp V-League rất tốt và tích cực trong giai đoạn 1. Nhưng thực tế thể thức này khiến cuộc chơi quá quyết liệt so với năng lực của các đội. Năm vừa rồi, đến giai đoạn chuẩn bị tách nhóm A và B xuất hiện đủ thứ chuyện, với các tính toán này nọ hết sức phức tạp. Nếu có thể chúng ta cứ nên thi đấu như truyền thống”.
Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn nói: “Mùa giải 2021 do lịch thi đấu của đội tuyển quốc gia và U.23 dồn dập, nên VFF đang xem xét có thể giữ nguyên cách thi đấu V-League và giải hạng nhất như năm nay, vừa rút gọn thời gian vừa đáp ứng với tình hình chung. Các đội đá khoảng 18 - 20 trận là phù hợp không thể kéo quá dài đến 26 lượt, vì ngoài ra 3 đội hàng đầu Việt Nam còn đá các giải cấp CLB châu Á nữa. Nhưng Ban Chấp hành VFF sẽ xem xét để tăng thêm sự gay cấn, quyết liệt bằng việc có thêm đội lên hạng và xuống hạng, có thể 1 suất rưỡi hoặc 2 suất. Như thế tính cạnh tranh sẽ rất cao”.                                                                                                                        T.K
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.