Mẹ lợi, con thiệt?
Theo ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT, việc hợp nhất các công ty con sẽ mang lại rất nhiều cái lợi, cả trước mắt và lâu dài, cho các cổ đông FPT hiện tại và cổ đông tương lai của FPT. Đó là việc FPT phát hành thêm khoảng 10% cổ phần (CP) FPT để hoán đổi cho cổ đông đang sở hữu tại các đơn vị thành viên. Sau khi hoán đổi thì cổ đông FPT sẽ được hưởng 100% lợi nhuận từ các công ty này. Ví dụ với kết quả kinh doanh năm 2010, lợi nhuận mà cổ đông FPT sẽ thu thêm từ 3 công ty này xấp xỉ 130 tỉ đồng, chiếm trên 10% lợi nhuận cổ đông FPT đang có (1.264,5 tỉ đồng). Điều quan trọng hơn là sau khi tái cấu trúc, việc tiết kiệm các nguồn lực và chi phí quản lý chồng chéo đang có chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cao hơn nhiều cho cổ đông.
|
Nhưng theo phân tích của Công ty chứng khoán u Việt, lợi nhuận trước thuế của FPT sau khi hợp nhất 3 công ty con này chỉ tăng thêm khoảng 7,4% trong khi lượng CP phát hành tăng thêm tương đương 10%. Do đó giá trị của FPT không thay đổi sau khi sáp nhập. Ông Tạ Thu Tín - Trưởng phòng Phân tích của Công ty chứng khoán u Việt - nhấn mạnh: Giá CP của FPT hiện tại đã bao hàm giá trị của các công ty con này vì FPT được tổ chức theo dạng Holdings (Báo cáo tài chính hợp nhất có hạch toán lợi nhuận từ các công ty con - PV). Do đó việc chuyển đổi CP này sẽ có lợi cho cổ đông thiểu số tại 3 công ty con hơn là cổ đông công ty mẹ. Cũng theo ước tính của Công ty chứng khoán u Việt, chỉ riêng việc hoán đổi 3,48 triệu CP của CTCP hệ thống thông tin FPT để lấy 4,25 triệu CP của FPT thì những cổ đông của công ty con sẽ hưởng lợi ít nhất khoảng 200 tỉ đồng sau khi trừ đi giá vốn (giá FPT hiện nay là 55.000 đồng/CP). Đó là chưa kể nếu muốn bán ra một số lượng lớn CP của CTCP hệ thống thông tin FPT hiện nay trên thị trường OTC cũng không dễ thành công. Ngoài ra CP của FPT còn có khả năng bị pha loãng thêm vào đầu tháng 12.2012 do các trái chủ có thể thực hiện khả năng chuyển đổi 1.800 tỉ đồng trái phiếu đã mua vào năm 2009 thành cổ phiếu.
Chuyển hóa lợi nhuận?
Việc sáp nhập đã diễn ra khá nhiều trên thị trường. Tất cả các công ty đều có chung nhận định rằng việc sáp nhập là cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh và thị phần; giảm thiểu các loại chi phí như: chi phí sản xuất, marketing, chi phí tài chính, đầu tư cho hệ thống thông tin... Nhưng nếu nhìn vào thời gian tách ra rồi sáp nhập quá ngắn ngủi, chỉ khoảng 2 - 3 năm của nhiều công ty trên thị trường khiến dư luận không thể không đặt vấn đề. Phải chăng các công ty này đang lúng túng trong chiến lược của mình? Hoặc là công ty mẹ đang tạo điều kiện để cho cán bộ nhân viên chuyển hóa lợi nhuận sau khi hoán đổi.
Theo một chuyên gia chứng khoán, hiệu quả hoạt động sau sáp nhập như thế nào thì chưa thể kiểm chứng nhưng dường như đây là kết quả tất yếu sau trào lưu chạy đua thành lập công ty con, góp vốn liên doanh trước đây.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển phân tích, có nhiều trường hợp sáp nhập trên thế giới đã không thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt đó là những doanh nghiệp hoạt động độc lập với ngành nghề kinh doanh khác biệt thì các chi phí quản lý điều hành, chi phí kinh doanh cũng không giảm được nhiều bởi vẫn phải duy trì các bộ máy khác nhau. “Trong trường hợp đó là những doanh nghiệp hoạt động cùng ngành; hoặc một doanh nghiệp là sản xuất và doanh nghiệp phân phối thì việc sáp nhập sẽ làm gia tăng thị phần, giảm chi phí hoạt động cũng như gia tăng sức cạnh tranh. Vì vậy hiệu quả sau khi sáp nhập của từng doanh nghiệp luôn là ẩn số mà các nhà đầu tư phải xem xét kỹ khi tính đến tỷ lệ hoán đổi khi thực hiện”, TS Đinh Thế Hiển nói.
Mai Phương
Bình luận (0)