Xuất phát từ Nghị định 36 của Chính phủ với mục tiêu chấn chỉnh chất lượng sản phẩm cá tra VN, một cuộc tranh cãi giữa Hiệp hội Cá tra VN (VNPA) và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã xảy ra.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay sụt giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: Chí Nhân
|
Tuy nhiên nó lại đang trở thành đề tài gây tranh cãi - đặc biệt với quy định: tổ chức, cá nhân xuất khẩu cá tra phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra. Cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được VNPA xác nhận
Giấy phép xuất khẩu mới ?
|
Theo ông Nam, hợp đồng xuất khẩu là hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể kinh doanh. Quyền tự do hợp đồng là một nội dung của quyền tự do kinh doanh và được nhà nước bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng, uy tín xuất khẩu thì đã có cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu là không cần thiết, không hợp pháp cũng như không đảm bảo được mục tiêu tạo ra thuận lợi, khuyến khích sản xuất, phát triển kinh doanh. Với quan điểm coi đây là công cụ để quản lý sản lượng, cân đối cung cầu..., ông Nam cho rằng cơ chế mới này chỉ mang tính hình thức trong khi phần căn bản để làm căn cứ thẩm định là khâu quy hoạch, kiểm soát vùng nuôi lại đang bị vướng.
Xuất phát từ quan điểm trên, Phó tổng thư ký VASEP cũng kiến nghị Chính phủ “bãi bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra qua VNPA, vì thực chất nó cũng là một dạng giấy phép xuất khẩu mới mà doanh nghiệp buộc phải có khi xuất khẩu, trong khi hoạt động xuất khẩu được khuyến khích và cần tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể”.
“Giúp cho sự ổn định của cả ngành cá tra”
Nhận xét về những kiến nghị của VASEP và một số doanh nghiệp, TS Võ Hùng Dũng - Phó chủ tịch VNPA nói: “Đầu tiên cần phải nói đến là Nghị định 36 do Chính phủ ban hành, hiệp hội chỉ thực hiện theo tinh thần của nghị định. Ưu điểm là chúng ta có sản lượng lớn, chi phối đến 95% thị trường, nhược điểm là chúng ta sản xuất phân tán không cân đối được sản lượng, cung cầu. Để khắc phục tình trạng đó thì bộ công cụ này ra đời cũng là do chính từ kiến nghị của VASEP và họ là người soạn thảo những văn bản đầu tiên, rồi đến Bộ NN-PTNT, sau đó được Chính phủ ban hành. Thời đó VNPA chưa ra đời và sau khi hiệp hội chúng tôi ra đời thì Chính phủ mới giao việc này cho chúng tôi”.
Cũng theo ông Dũng, về mặt chuyên môn và phương pháp quản lý, nói là đăng ký hợp đồng xuất khẩu nhưng không phải là yêu cầu các doanh nghiệp nộp hợp đồng của mình lên hiệp hội mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phải khai báo thông tin về hợp đồng như: số lượng xuất, thị trường xuất, thời gian. “Đối với người nuôi, họ phải khai báo về ao nuôi của mình như ngày tháng thả nuôi, số lượng cho chi cục thủy sản địa phương. Khi doanh nghiệp mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu họ phải khai báo mua của ai hay sử dụng nguyên liệu của mình để chúng tôi nhập liệu”, ông Dũng phân tích.
“Sau một thời gian tích lũy như vậy chúng ta sẽ có được gì? Đó là số liệu xuất khẩu, thị trường, số lượng cá nuôi, sử dụng nguyên liệu… Từ bộ dữ liệu như vậy chúng ta mới đưa ra được dự báo 5 - 6 tháng tới nó sẽ như thế nào? Nó không phải chỉ là thông tin vĩ mô mà nó là thông tin cụ thể cho từng địa phương. Trên cơ sở có được số liệu như vậy mới có thể nói được dự báo sản lượng cung cầu, khuyến nghị nông dân nên nuôi hay không, điều chỉnh sản lượng ra sao để cân bằng thị trường. Đứng ở góc độ chuyên môn tôi cho rằng không phải nó chỉ ở góc vĩ mô nữa mà nó rất cụ thể, giúp ích rất nhiều cho sự ổn định của cả ngành cá tra”, ông Dũng khẳng định.
Bình luận (0)