(iHay) Khi trang phục dân tộc nặng gần nửa tạ của đại diện Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2016 được trình làng, cư dân mạng đã liên tục tranh cãi.
>> Lan Khuê: Tôi sẵn sàng cộng tác cùng Phạm Hương
>> Lệ Hằng tự tay trang điểm, làm tóc chuẩn bị Miss Universe 2016
Cận cảnh trang phục dân tộc nặng 45 kg của đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2016
|
Bộ áo có chiều cao hơn 3m, đuôi áo dài hơn 3,5m, nặng 45kg, 'khủng' nhất từ trước đến nay ở hạng mục trang phục dân tộc của VN đang gây nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: Donald
|
Ngay dưới phần bình luận, bạn đọc Thanh Niên Online đã bày tỏ những ý kiến trái chiều xoay quanh bộ trang phục này. Một bạn đọc viết: “Là người Việt mà mình chưa bao giờ thấy bộ trang phục này, kể cả trên các sách giáo khoa từ thời phổ thông. Không biết đây là trang phục dân tộc hay là đến kỳ thi mới có vậy”.
Trong khi đó, một bạn khác cho rằng: “Ủa, hồi đó Lạc Long Quân và Âu Cơ mặc trang phục như thế nào mà mà mấy bạn hỏi ngộ vậy. Mình cảm thấy trang phục này rất đẹp, nhiều bạn chắc quên rồi cái thời Văn Lang”.
Chia sẻ riêng cùng iHay.vn, nhà thiết kế Lê Long Dũng bày tỏ: “Tôi nghe nhiều người nói trang phục của Khả Trang bị làm quá, hoành tráng phô trương. Riêng tôi cho rằng đối với một bộ trang phục đi thi quốc tế thì hoành tráng là cần thiết. Chúng ta đang đọ nhan sắc với hơn 70 thí sinh lộng lẫy của nước bạn thì việc tỏa sáng rất quan trọng. Độ hoành tráng lộng lẫy, bắt sân khấu của trang phục giúp thí sinh tỏa sáng nhiều hơn và gây ấn tượng với ban giám khảo”.
Với những phản biện rằng bộ trang phục trên không giống trang phục dân tộc của Việt Nam thì nhà thiết kế Lê Long Dũng thẳng thắn: “Các bạn nghĩ không giống trang phục Việt Nam thì cũng dễ hiểu thôi vì trước giờ áo dài và áo tứ thân đã quá đại chúng. Chúng ta nên nhớ mình có tới 54 dân tộc anh em, thậm chí một số dân tộc gần biên giới có trang phục rất khó phân biệt được với Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Vì độ phổ chúng không bằng áo dài nên trang phục lấy ý tưởng thời Văn Lang Âu Lạc như thế chúng ta cần thời gian để quen mắt”.
Theo nhà thiết kế, trang phục được kết hợp giữa sự mạnh mẽ của cha Lạc Long Quân và mềm mại, thanh thoát của mẹ Âu Cơ. Hình ảnh trên phần tay được lấy ý tưởng từ hoa sen, là quốc hoa của Việt Nam, bên cạnh đó là những vòng xoáy uốn lượn tượng trưng cho biểu tượng tiên, rồng nên hoàn toàn có thể được gọi là trang phục dân tộc
“Ba tháng để thực hiện trang phục này cầu kỳ, tỉ mỉ từng chi tiết thì giá của nó không hề rẻ. Mọi người hỏi tôi vì sao nó nặng như vậy thì tôi cho biết luôn tất cả phụ kiện bằng kim loại thật để tạo cảm giác sống động, chứ tôi không làm chất liệu thay thế, đồ mã”, anh nói thêm
|
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng khoa Văn hóa học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chuyên về Bản sắc văn hóa và bản sắc văn hóa Việt Nam, cho biết: “Hiện tại áo dài là trang phục thường được các người đẹp Việt chọn mặc khi thi hoa hậu nhưng thật ra áo dài không phải là trang phục mang tính biểu tượng của dân tộc Việt Nam theo truyền thống xưa. Trang phục dân tộc của người phụ nữ truyền thống đó chính là chiếc váy. Tuy nhiên, áo dài nhanh chóng phổ biến và đã được biết đến như trang phục dân tộc của người Việt Nam dù có tuổi đời non trẻ là nhờ kết hợp được hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Việc chọn biểu tượng văn hóa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Như chiếc áo bà ba từng có nhóm người muốn nâng tầm không chỉ là trang phục của phụ nữ Nam bộ mà còn ở tầm quốc gia, dân tộc nhưng việc hiện đại hóa biểu tượng này đã không đủ lực để làm. Trở lại chiếc áo lấy ý tưởng từ thời Văn Lang-Âu Lạc thì cũng tùy trường hợp mới xét được nó có là trang phục mang tính biểu tượng cho văn hóa Việt Nam hay không, chứ không phải cứ dựa vào tư liệu lịch sử là nói đó là trang phục dân tộc. Thực tế trang phục ở thời vua Hùng là để trần đóng khố nhưng không thể lấy cái khố làm đại diện cho văn hóa, bởi nó không đảm bảo sự hài hòa, nối liền giữa truyền thống và hiện đại”.
|
Hoa hậu Thái Lan tại Miss Universe 2015 đã đem tới cuộc thi trang phục dân tộc là chiếc váy được làm cách điệu từ xe tuk tuk. Cô đã giành giải thưởng Trang phục dân tộc đẹp nhất từ bộ váy có vẻ "kì quái" này. Theo ban giám khảo, họ nhận ra được văn hóa Thái Lan qua hình ảnh này
|
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổng giám đốc công ty Elite, đơn vị giữ bản quyền đưa người đẹp đi thi các cuộc thi lớn như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu quốc tế..., chia sẻ thẳng thắn: “Quốc phục trong một cuộc thi hoa hậu không có nghĩa là trang phục truyền thống của một dân tộc. Ngoài yếu tố đẹp hay lộng lẫy thì điều quan trọng nhất là kiểu dáng, màu sắc, hoa văn... từ trang phục được lấy từ những yếu tố văn hoá của dân tộc đó, gợi cho người ta nghĩ ngay đến đất nước con người của dân tộc đó. Nếu mọi người theo dõi chung kết các cuộc thi hoa hậu lớn trên thế giới thì có thể thấy trang phục dân tộc vào Top cực kỳ đa dạng, phong phú về kiểu dáng, màu sắc. Ví dụ như Hoa hậu Thái Lan tại Miss Universe 2015 đã đem tới cuộc thi trang phục dân tộc là chiếc váy được làm cách điệu từ xe tuk tuk, phương tiện giao thông rất đặc trưng ở nước mình, và kết quả là cô giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất. Năm 2009, Hoa hậu Panama đã giành giải nhất phần thi Trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ với bộ trang phục cực kỳ lộng lẫy và ấn tượng, làm người xem liên tưởng đến những chú chim khổng lồ trong khu rừng nguyên sinh của đất nước Panama. Hay Hoa hậu Trung quốc không nhất thiết phải mặc xường xám, Hoa hậu Nhật đâu có lúc nào cũng mặc kimono..."
Bà Nga nói thêm: "Đến giờ tôi vẫn ấn tượng nhất với trang phục dân tộc của Hoa hậu Trung Quốc đã được giải Trang phục dân tộc đẹp nhất trong cuộc thi Miss Universe 2012. Cô ấy mặc bộ váy kiểu dáng như một chiếc đầm dạ hội, nhưng nhìn vào mọi người có thể thấy ngay những hoa văn rất đặc trưng của gốm sứ đời nhà Minh, nhà Thanh. Ngoài ra chiếc mấn đội đầu được làm cách điệu từ chiếc quạt cầm tay với lọ gốm, toàn những hình ảnh gợi đến văn hóa đặc trưng Á đông, cực kỳ tinh tế”.
Năm 2009, Hoa hậu Panama đã giành giải nhất phần thi Trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ với bộ trang phục cực kỳ lộng lẫy và ấn tượng như cánh rừng nguyên sinh ở đất nước
|
Theo bà Nga, Hoa hậu Trung Quốc không cần mặc xường xám nhưng vẫn được giải Trang phục dân tộc đẹp nhất trong cuộc thi Miss Universe 2012. Điều đó cho thấy trang phục dân tộc rất đa dạng và phong phú - Ảnh: chụp màn hình
|
Bà Nga cho rằng áo dài rất đẹp và nổi tiếng, tuy nhiên Việt Nam có đến 54 dân tộc, nền văn hoá 4.000 năm với rất nhiều chất liệu có thể sử dụng làm nên trang phục dân tộc độc đáo, lộng lẫy nên việc đa dạng hóa trang phục dân tộc cho thí sinh đi thi là việc dễ hiểu và nên làm.
“Cá nhân tôi đánh giá cao trang phục dân tộc của nhà thiết kế Lê Long Dũng, ngoài yếu tố tinh xảo, hoành tráng, lộng lẫy của bộ trang phục, anh đã khéo léo sử dụng những hoa văn, họa tiết trên trang phục để kể về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt. Nghệ thuật là không giới hạn, chuyện khen chê trái chiều là bình thường và chúng ta nên chấp nhận để hoàn thiện mình hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng nên ủng hộ cho những ai dám tiên phong đi theo một hướng mới, dám chấp nhận đương đầu với thử thách, dù có thất bại thì họ cũng đã quá dũng cảm và tâm huyết với nghề”, bà Nga chia sẻ.
Cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational) năm nay được hai quốc gia đăng cai là Ba Lan và Slovakia, từ ngày 19.11 - 3.12. Đêm chung kết trao giải sẽ diễn ra vào ngày 2.12 (rạng sáng 3.12 theo giờ VN) tại thành phố Krynica-Zdrój (Ba Lan) với khoảng 70 thí sinh tranh tài.
Dương Nguyễn Khả Trang là đại diện chính thức được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép đi thi. Cô sinh năm 1992, cao 1,79m, số đo 3 vòng: 86-61-93. Trước khi giành Giải vàng Siêu mẫu VN 2015, Khả Trang từng đạt một số danh hiệu tại cuộc thi Hoa khôi Du lịch Hà Nội 2012, Á khôi Thể thao VN 2012.
|
Bình luận (0)