Tranh chấp chung cư ở TP.HCM triền miên, bao giờ chấm dứt?

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thời gian qua đã kiểm tra, giải quyết hoặc phối hợp với UBND quận, huyện kiểm tra, giải quyết phản ảnh, tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư tại 96 chung cư.

Sáng 28.10, Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình về tình hình thực hiện công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn TP năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017.
Theo đó, TP.HCM hiện có 935 chung cư. Căn hộ nhà chung cư chiếm tỉ lệ 8,4% tổng số nhà ở trên toàn TP và đang có xu hướng chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong quá trình phát triển nhà ở.

tin liên quan

Đột nhập khách sạn 'ổ chuột' giá bèo ở Sài Gòn
Ẩn khuất đâu đó trong lòng thành phố là những căn phòng chật hẹp, tồi tàn được cho thuê với giá rẻ bèo. Đó là nơi dung thân cho những khách thập phương đang miệt mài mưu sinh trên đất Sài Gòn.
Nhà chung cư trên địa bàn TP phân bổ khá đồng đều ở 2 khu vực nội thành hiện hữu và nội thành phát triển. Nhà chung cư ở khu vực nội thành hiện hữu có mật độ cao hơn, tập chung chủ yếu tại Q.5, Q.1, Q.10 và Q.Bình Thạnh. Trong những năm gần đây, nhà chung cư phát triển ở Q.7, Q.2, và Q.Thủ Đức. Riêng khu vực huyện ngoại thành, nhà chung cư phát triển ở H.Bình Chánh và H.Nhà Bè.
Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp ở chung cư
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở xây dựng TP cho biết thời gian qua đơn vị đã kiểm tra, giải quyết hoặc phối hợp với UBND quận, huyện kiểm tra, giải quyết phản ảnh, tranh chấp tại 96 chung cư. Hiện nay, Sở xây dựng đang trực tiếp giải quyết 9 nhà chung cư có mâu thuẫn, tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Theo kết quả giám sát của HĐND TP, tranh chấp diễn ra hàng loạt tại 21/24 quận, huyện trên địa bàn TP, bao gồm cả ở chung cư cũ và chung cư mới. Trong đó, các mâu thuẫn, tranh chấp liên quan phần diện tích sở hữu chung, riêng, nhưng đóng góp, quản lý và sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì có tỉ lệ phản ảnh, tranh chấp nhiều nhất.
Phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP về quản lý nhà chung cư Ảnh: Vũ Phượng
Những nguyên nhân xảy ra tranh chấp gồm: Chủ đầu tư (CĐT) không đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư đối với phần diện tích thuộc phần sở hữu riêng hoặc phần diện tích căn hộ chưa bán; áp dụng mức kinh phí quản lý vận hành không đúng quy định; sử dụng quỹ kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư không đúng mục đích; không công khai thu chi tài chính,…
Bên cạnh đó, còn có các mâu thuẫn, tranh chấp liên quan Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, công tác tổ chức Hội nghị nhà chung cư và một số nội dung khác về quản lý, vận hành nhà chung cư. Cụ thể: CĐT không thực hiện bảo hành, bảo trì công trình theo quy định, CĐT tổ chức Hội nghị nhà chung cư không đúng quy định, CĐT không bàn giao các hồ sơ liên quan đến nghiệm thu hoàn thành công trình cho Ban quản trị.
Không chỉ những tranh chấp liên quan đến CĐT mà còn có những tranh chấp giữa Ban quản trị với cư dân như: Ban quản trị lạm dụng quyền hạn, chi sai nguyên tắc, chi tiêu vượt hạn mức quy định, Ban quản trị tùy tiện nâng phí dịch vụ hoặc mâu thuẫn trong chính nội bộ Ban quản trị.
Ngoài ra, những mâu thuẫn, tranh chấp còn liên quan đến Hợp đồng mua bán căn hộ và một số tranh chấp dân sự giữa CĐT với người mua căn hộ.
Phải giải quyết tranh chấp ở chung cư
Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP cho biết nhà chung cư đã đáp ứng về nhu cầu nhà ở, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở cho nhân dân trong quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, qua những lần tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND đã nghe nhiều ý kiến phản ảnh của người dân ở chung cư về những bức xúc, tranh chấp ở trong chung cư
Do đó, Chủ tịch HĐND đề nghị các sở, ban ngành phải tìm ra được những nguyên nhân của mâu thuẫn trong chung cư. Từ đó đưa ra các giải pháp giải quyết thế nào để người dân ở chung cư yên tâm. Đồng thời, Chủ tịch HĐND cũng yêu cầu các sở, ban ngành chỉ ra trách nhiệm của mình trong việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở nhà chung cư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.