Tranh chấp phà nối Thái Bình - Nam Định: Xã tổ chức đấu giá sai thẩm quyền

04/04/2021 16:39 GMT+7

UBND H.Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) đã giao Thanh tra huyện xác minh, làm rõ nội dung đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến quá trình tổ chức đấu giá thuê đất tại khu vực bến phà Thái Phú 2 , xã Hồng Phong (H.Vũ Thư).

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 1.4, tại bến phà Thái Phú 2 (xã Hồng Phong, H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), hàng trăm lượt người, phương tiện tại địa phương trong đó có cả học sinh, công nhân đã không thể sang bờ bên kia sông Hồng thuộc địa phận H.Nam Trực (tỉnh Nam Định) để làm việc, buôn bán, học tập do có tranh chấp giữa chủ phà cũ và chủ mới trúng đấu giá.
Pha "lật kèo" khó hiểu của UBND xã Hồng Phong
Theo tài liệu được cung cấp, từ năm 1990, ông Trần Văn Điến (62 tuổi, ở thôn Tương Đông, xã Hồng Phong, H.7Vũ Thư, Thái Bình) đã ký hợp đồng thuê đất với UBND xã Hồng Phong để kinh doanh bến đò Thái Phú 2 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Năm 2013, ông Trần Văn Điến bỏ kinh phí 1,4 tỉ đồng trên cơ sở đã trình và được UBND xã Hồng Phong phê duyệt để nâng cấp , cải tạo, xây mới một số hạng mục tại bến phà Thái Phú 2 để chuyên chở người và phương tiện ô tô, xe cơ giới.
Sau khi quá trình nâng cấp, cải tạo này hoàn thành, đã có biên bản nghiệm thu, chấp thuận đưa vào khai thác của các ngành chuyên môn H.Vũ Thư và lãnh đạo UBND xã Hồng Phong. Trong đó ghi rõ, chấp thuận tạo điền kiện cho hộ ông Điến thuê ổn định, lâu dài ít nhất là 20 năm (5 năm gia hạn một lần) để thu hồi vốn, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Khi ông Điến đang kinh doanh bình thường thì bất ngờ đến ngày 28.10.2020, UBND xã Hồng Phong có thông báo hết hạn hợp đồng mà ông Điến ký với xã (giai đoạn 5 năm từ 1.1.2016 - 31.12.2020). Cùng với đó, chính quyền xã cũng thông báo cho ông Điến biết chủ trương đấu giá lại để tìm ra chủ mới trong 5 năm tiếp theo. Như vậy, sau khi bỏ số tiền 1,4 tỉ đồng để nâng cấp, xây dựng bến phà từ năm 2013, mới tiếp tục kinh doanh khai thác được 7 năm thì ông Điến bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng. Cam kết sẽ tạo điều kiện cho ông Điến thuê ổn định ít nhất 20 năm để hoàn vốn của lãnh đạo UBND xã Hồng Phong 7 năm về trước, nay bị những người kế nhiệm bỏ quên.
Ngày 5.1.2021, do chưa tổ chức đấu giá, UBND xã Hồng Phong lại tiếp tục gia hạn hợp đồng để ông Điến tiếp tục vận hành, khai thác bến phà, phục vụ nhân dân đi lại thêm 3 tháng.
Đến ngày 31.3 vừa qua, hợp đồng gia hạn vừa nêu hết hiệu lực, nhưng từ trước đó, vào ngày 14.1, UBND xã Hồng Phong đã tiến hành tổ chức phiên đấu giá thuê đất tại khu bến đò Thái Phú 2. Người trúng đấu giá mới là ông Trần Mạnh Hùng với mức bỏ giá là 619 triệu đồng/năm (giá khởi điểm là 105 triệu đồng/năm).

Hàng trăm lượt người, phương tiện bị ảnh hưởng bởi phà Thái Phú 2 bất ngờ ngừng hoạt động vào hôm 1.4 vừa qua

ẢNH TRUNG DU

Tổ chức đấu giá theo kiểu "không giống ai"
Đáng chú ý, trong quá trình tự mình đứng lên tổ chức cuộc đấu giá này, UBND xã Hồng Phong đã không tính toán đến việc giải quyết phần giá trị đầu tư còn lại của hộ ông Điến trên phần đất thuê; quy trình đấu giá cũng không tuân thủ theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 khi các tiêu chí để được tham gia dự đấu giá như: phương tiện, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động… không được đưa vào quy chế đấu giá.
Trong bản quy chế đấu giá, UBND xã Hồng Phong “làm khó” các nhà đầu tư khi đề ra quy định “người trúng đấu giá mới sẽ thương lượng với chủ kinh doanh cũ về số tiền đã đầu tư nâng cấp bến và nhà chờ theo tinh thần thoả thuận giữa hai bên”.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ thuộc Trung tâm Đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Thái Bình) nhìn nhận sự việc: “Theo phân cấp quản lý nhà nước, UBND cấp xã không có chức năng đứng ra tổ chức đấu giá. Việc tổ chức đấu giá phải do đơn vị đấu giá chuyên nghiệp tiến hành theo luật Đấu giá tài sản. Chính vì ở đây tổ chức đấu giá không đúng quy định đã dẫn đến tranh chấp, khiếu tố, làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của nhân dân. Mặt khác, các tiêu chí để được tham gia dự đấu giá như phương tiện, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động… không được đơn vị tổ chức đấu giá đưa vào quy chế đấu giá là có dấu hiệu cố tình tạo điều kiện cho người không đủ điều kiện vẫn được phép tham gia phiên đấu giá." 
Cũng theo vị này, trước khi tổ chức đấu giá, lẽ ra phần tài sản còn lại trên đất phải được các cơ quan chuyên môn thẩm định, kê khai và tiến hành trừ đi phần khấu hao để thực hiện bồi hoàn lại cho chủ cũ và đưa vào quy chế đấu giá để nhà đầu tư mới tính toán, cân nhắc việc bỏ giá. "Đằng này, UBND xã Hồng Phong lại đẩy phần việc quan trọng này cho chủ cũ và chủ mới tự thoả thuận với nhau sau khi đã tổ chức đấu giá xong là việc làm lộn quy trình, trái quy định của pháp luật, đẩy người kinh doanh vào thế mâu thuẫn, cự cãi lẫn nhau.", vị này phân tích. 
Ông Trần Thanh Hải, Chánh thanh tra H.Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cho biết: “Chiều 1.4 tại UBND xã Hồng Phong, tổ công tác do Thanh tra huyện chủ trì đã thực hiện công bố quyết định thanh tra, xác minh, làm rõ đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến quy trình thực hiện chấm dứt hợp đồng, tổ chức đấu giá lại quyền khai thác, vận hành bến phà Thái Phú 2."
Chủ phà cũ tiếp tục vận hành bến phà Thái Phú 2 cho đến khi có kết luận thanh tra
Bến phà Thái Phú 2 kết nối xã Hồng Phong, H.Vũ Thư với xã Nam Thanh, H.Nam Trực (tỉnh Nam Định) qua sông Hồng. Hàng ngày, có hàng trăm lượt người, phương tiện giữa hai địa phương thông thương, qua lại tại bến phà này. Theo quy định, phía bờ Thái Bình chạy 2 ngày  thì đến lượt phía bờ Nam Định chạy 2 ngày, luân phiên tất cả các ngày trong tháng. 
Sau sự cố phà ngừng chạy vào ngày 1.4, trong các ngày 2, 3.4 đến phiên phía bờ Nam Định vận hành thì hoạt động đi lại của nhân dân lại diễn ra bình thường. Trong chiều qua, 3.4, UBND xã Hồng Phong, H.Vũ Thư đã thống nhất để cho hộ ông Trần Văn Điến (là chủ vận hành, khai thác cũ) tiếp tục phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân từ ngày 4.4 đến khi có kết luận của cơ quan chức năng về vụ việc.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng nay, 4.4, hoạt động giao thông tại bến phà Thái Phú 2 diễn ra bình thường, không còn tình trạng ùn ứ, tập trung đông người tại đây.

Từ sáng nay, 4.4, hoạt động tại bến phà Thái Phú 2 đã tạm thời trở lại bình thường

ẢNH TRUNG DU

Theo thống kê, trên địa bàn xã Hồng Phong và một số xã lân cận của H.Vũ Thư, có khoảng hơn 40 học sinh hiện đang học tập tại các Trường THCS Nguyễn Hiền, Trường THPT Lý Tự Trọng có trụ sở tại xã Nam Thanh; Trường THPT Quang Trung có trụ sở tại xã Nam Hồng, đều thuộc H.Nam Trực (Nam Định). Ngoài ra, có khoảng hơn 30 công nhân là người ở xã Hồng Phong, H.Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) nhưng hiện làm việc tại các công ty đóng trên địa bàn H.Nam Trực (tỉnh Nam Định).            
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.