Ở châu u, cuộc tranh chấp tên gọi này gần như bị chìm nghỉm bởi những cuộc nội chiến trên bán đảo và bởi vấn đề Kosovo, nhưng vẫn là một khúc mắc mang tính nguyên tắc giữa Hy Lạp và Macedonia, ảnh hưởng đáng kể tới toàn bộ tương lai mối quan hệ của Macedonia với EU và NATO.
Macedonia hiện đã được hơn 100 quốc gia trên thế giới công nhận với tên gọi "Nước Cộng hòa Macedonia", nhưng ở Liên Hiệp Quốc và Hy Lạp thì đất nước này lại mang tên gọi "Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ". Mấu chốt của cuộc tranh chấp tên gọi này nằm ở chỗ miền bắc Hy Lạp có một khu vực mang cái tên "Macedonia" đúng như tên gọi của nước láng giềng, đương nhiên là có dây mơ rễ má lịch sử, văn hóa và sắc tộc với nhau. Hy Lạp lo ngại rằng nếu để nước láng giềng này mang cái tên "Macedonia" thuần túy thì rất có thể từ đó suy diễn ra vùng lãnh thổ miền bắc Hy Lạp này thuộc về Macedonia. Macedonia tuy không công khai đòi chủ quyền đối với khu vực lãnh thổ này, nhưng khăng khăng đòi phải được gọi là "Macedonia" chứ không còn liên quan gì đến Nam Tư trước đây.
Bên nào cũng có lý do và lợi ích trong việc đòi giữ cái tên này, nhất là trong bối cảnh Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập, ly khai khỏi Serbia. Hy Lạp phòng ngừa nguy cơ về lâu dài vùng lãnh thổ miền bắc ấy tự nguyện hoặc được Macedonia ngầm hậu thuẫn sẽ trở thành một Kosovo ở Hy Lạp, sẽ đơn phương tuyên bố độc lập rồi hợp nhất với Macedonia. Macedonia coi việc giữ bản quyền tên gọi không chỉ là vấn đề thể diện quốc gia, mà còn là vấn đề bình đẳng so với các quốc gia khác ở châu u, là vấn đề chủ quyền về cội rễ văn hóa và sắc tộc. Cuộc tranh chấp này chưa dễ được giải quyết vì không phải Liên Hiệp Quốc mà chính NATO và EU mới đóng vai trò quyết định buộc cả hai đối tác này đi tới thỏa hiệp dành tên đó cho ai.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)