Cô là trưởng nữ của hai nhà dân tộc học Nguyễn Tùng (quê Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam) và Nelly Krowolski (người Pháp gốc Ba Lan). Cả hai là chuyên gia về Việt Nam học tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp. Thật ra, Hoàng Mai (tên gọi ở nhà của cô) là một thạc sĩ luật, đã ra làm việc cho một vài cơ quan, công ty ở Pháp. Nhưng khi quay về quê nội ở Việt Nam vài lần, hội họa lại ám ảnh và đã thay đổi tất cả.
|
Mai Tabakian bộc bạch: “Đây là lần thứ tư tôi về Việt Nam. 3 lần trước là vào các mùa hè 1978, 1980 và 2000. Sau 12 năm xa cách, đất nước đã thay đổi rất nhiều và phát triển hơn. Điều quyến rũ tôi ở Việt Nam là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, sự tương phản giữa quá khứ và tương lai như những người bán hàng rong, các xe xích lô hoạt động ngay bên cạnh các cửa hàng, tiệm cà phê, quán ăn sang trọng, hay các loại xe ô tô hiện đại. Tôi đã tìm lại được Việt Nam như trong các kỷ niệm của chính tôi khi rời các đô thị, ở nông thôn, công việc đồng áng vẫn giữ được khá nhiều nét quyến rũ của thời xưa”.
|
Tất cả dường như đã bắt đầu khi Mai đi thăm một xưởng ươm tơ ở quê nhà, cô đã bị cuốn hút bởi những gì mà cô thấy. Đó là những sợi tơ óng ánh được rút ra từ các con kén lềnh bềnh trong chiếc nồi bung đầy nước sôi. Và sự phát hiện đó đã lưu lại trong cô nhiều ấn tượng sâu đậm cho tới hiện nay. Cô nói: “Xuất phát điểm của sự sáng tạo của tôi là vải. Và kỹ thuật mà tôi tìm ra qua lao động nghệ thuật cho phép tôi phát hiện các khả năng tạo hình bao la của chất liệu này”.
Không ai thấy được những vết cắt hay đường kim mũi chỉ trên vải của những tác phẩm của Mai. Cô cho biết: “Tôi không bao giờ may vá các loại vải, mà đặt chúng, rồi chèn chúng một cách công phu vào polysteren ép đùn (extruded polysterene) như là vải thô để vẽ tranh hay để xếp đặt. Tôi xem các tác phẩm của tôi như là những bức tranh. Nhưng do cách làm riêng, nên được xem như các tác phẩm điêu khắc, vì tôi đã chạm, rạch trên polysteren ép đùn để bắt nó phải có hình dạng mà tôi muốn nhờ sức mạnh và sự chính xác của bàn tay”.
Nhà phê bình nghệ thuật Marie Deparis-Yafil nói tác phẩm của Mai giống như hồi sinh một nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, “chúng ta đang chứng kiến một bước đột phá vào sáng tạo đương đại”.
Trương Điện Thắng
>> Triển lãm điêu khắc TP.HCM lần 3-2012
>> Nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp trên băng
>> Điêu khắc trên rau quả
>> Điêu khắc bằng đồng xu
Bình luận (0)