Tránh đưa văn bản trong sách giáo khoa vào đề kiểm tra môn văn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/08/2024 09:26 GMT+7

Bộ GD-ĐT yêu cầu năm học tới tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025, năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 9 và lớp 12. Đây cũng là lứa học sinh đầu tiên thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với những thay đổi lớn so với trước kia cả về số môn thi cũng như cách thức ra đề thi.

Tránh đưa văn bản trong sách giáo khoa vào đề kiểm tra môn văn- Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT yêu cầu phải cho học sinh lớp 9 và lớp 12 làm quen với định hướng ra đề thi mới trong kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT

M.C

Chỉ đạo về kiểm tra, đánh giá đối với cấp trung học, Bộ GD-ĐT yêu cầu: "Tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT".

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu thực hiện đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, trong đó lưu ý một số nội dung: xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

"Đối với môn ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn", Bộ GD-ĐT đề nghị.

Trước đó, đánh giá việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đến hết năm học 2023 - 2024, Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc đánh giá học sinh đã chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện.

Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

"Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối các năm học từ năm học 2020 - 2021 đến nay cho thấy chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt, có một số điểm nổi trội hơn so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006", Bộ GD-ĐT cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD-ĐT, việc triển khai đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở một số cơ sở giáo dục chưa đạt hiệu quả. Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá; năng lực áp dụng các kỹ thuật và phương pháp đánh giá mới còn hạn chế; năng lực ứng dụng công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, năm đầu tiên học sinh tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn. Trong đó, có 2 môn thi bắt buộc là ngữ văn, toán; 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chỉ có duy nhất môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (4 điểm), viết (6 điểm). Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.