Tranh giả Bùi Xuân Phái bán ở Sotheby's

10/10/2008 23:05 GMT+7

Sau khi họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái) tuyên bố sẽ kiện Sotheby's nếu tiếp tục cho đấu giá 4 bức tranh giả, ngày 6.10.2008, website chính thức của hãng đấu giá danh tiếng này đã âm thầm gỡ bỏ các bức tranh. Tuy nhiên, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết, ông vẫn có đủ chứng cứ để kiện.

* Nhưng khi Sotheby's đã gỡ bỏ chứng cứ, có vẻ ông muốn kiện cũng khó?

- Đây không phải sự biết lỗi, mà là việc cố tình xóa dấu vết. Nhưng tôi đã kịp chụp ảnh tất cả những trang đã đăng thông tin đấu giá. Tôi đã liên hệ với Henry Gallagher - luật sư người Mỹ, giúp tôi trong vụ này. Tôi sẵn sàng chi ra 4.000 USD hoặc hơn nữa, thậm chí sang cả Hồng Kông để hầu tòa. Tôi biết chắc mình sẽ thắng kiện, nhưng cái tôi thực sự muốn đạt được là cơ hội hợp tác giữa các hãng đấu giá với họa sĩ Việt, sự nhìn nhận một cách chính xác và biết tôn trọng hơn những di sản văn hóa của nước ta.

* Gốc tích của những bức tranh giả đó từ đâu?

- Các bức tranh giả đó nằm trong tài sản của một Việt kiều - Phillip N. Người này cứ 6 tháng lại bán một lô lớn tranh Việt, thế mà chẳng mấy họa sĩ Việt Nam nào biết anh ta. Tháng 4.2008, Phillip N. bán gần 600.000 USD với 1 lô hàng giả. Cao nhất là bức chép lại Chèo trước giờ biểu diễn (kẻ làm tranh giả đã chuyển thành sơn mài, trong khi ông Phái chưa bao giờ vẽ sơn mài). 120.000 USD là cái giá chưa từng có ở trong nước cho một bức tranh thực. Nếu đúng là một tay buôn cứng cựa thì khi anh ta đến Hà Nội, các chủ gallery phải ra đón tận sân bay Nội Bài! 

Tôi chưa biết chắc nguồn tranh từ đâu ra, nhưng có một chi tiết tôi nghĩ là có liên quan. Ông Hà Thúc Cần (nhà sưu tập Việt kiều, hiện đã mất) kể với tôi rằng: hồi xưa, khi muốn mua tranh của ông Phái, ông ta qua Bảo tàng Mỹ thuật. Lúc đó có chính sách cho phép chép tranh trong bảo tàng, chỉ phải trả một số tiền nhỏ. Hồi đấy thì ở mình có biết gì về bản quyền đâu, chỉ có tấm lòng dành cho những người yêu mến hội họa Việt Nam, và ông Cần đã có hẳn một bộ sưu tập các tác phẩm nổi tiếng nhất với giá quá rẻ mạt: 50 USD/bức. Chính ông Cần đã dùng tranh giả đó để ép tôi bán tranh thật của ông Phái với giá 100 USD/bức.

* Từ đó mà sinh ra con đường bán tranh giả?

- Không chỉ với Bùi Xuân Phái. Nếu tìm trên Google, thì sẽ thấy ngay cả tranh của Đỗ Quang Em, hay gương mặt trẻ như Đặng Xuân Hòa... cũng từng bị đem bán, nhưng khi được hỏi thì chính họ cũng lắc đầu không biết. Vậy là người nước ngoài hoặc Việt kiều đã sang Việt Nam mua tranh giả, rồi đem tranh giả đi bán đấu giá. Còn họa sĩ mình thì do không biết nên đã tự làm giả của chính mình.

* Bản thân nhà sưu tập có phân biệt được tranh giả không?

- Tôi nghĩ họ đều biết là tranh thật hay giả, vì riêng cái giá cũng đã bộc lộ điều này. Thực tế, những người có được tranh thật của danh họa thì chẳng dễ gì đem bán non đi, vì càng để lâu sẽ càng có giá.

* Ngoài Sotheby's còn có hãng nào cũng bán đấu giá tranh giả Việt?

 
Bức tranh giả của Bùi Xuân Phái mà Sotheby's định đấu giá - Ảnh: B.T.P
- Năm 1997, tại Singapore đã diễn ra cuộc đấu giá một bức giả tranh lụa của Nguyễn Sáng vẽ thiếu nữ với giá 30.000 USD. Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái đã phát hiện kịp, và nhà sưu tập đó đã kiện, buộc hãng này phải hoàn lại tiền. Bức tranh giả của Nguyễn Sáng cũng nằm trong bộ sưu tập của Hà Thúc Cần.

* Ông có thể nói gì từ sự kiện này?

- Quá nhiều bất cập. Không chỉ là việc Việt Nam mình làm mất niềm tin của khách hàng vào tranh Việt, mà còn là từ bấy lâu nay ta đã bỏ lỡ một sân chơi quốc tế sang trọng, đem lại lợi nhuận lớn. Người ta cứ việc bán di sản văn hóa Việt trên thị trường cao cấp, còn chúng ta thì chẳng hề hay biết, cứ ngao cò tranh nhau con cá nhỏ trong ao. Trong lĩnh vực đấu giá ở Việt Nam thì quanh quẩn chỉ có xe hơi, căn hộ, mảnh đất... trong khi nước ngoài chủ yếu nhằm tới tài sản văn hóa nghệ thuật của ta: tranh, cổ vật... Nếu ta cũng biết đem tác phẩm nghệ thuật đấu giá, chắc chắn người nước ngoài sẵn sàng trả giá cao để mua những tác phẩm có giá trị lớn nhưng lại không được phép mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam do các quy định về xuất nhập cảnh. Không thấy hết cái lợi lớn mà nghệ thuật đem lại, nên từ bao lâu nay ta cứ bỏ hẳn sân chơi này cho nước ngoài thao túng.

Ngọc Lương (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.