89% thanh niên ra quân có nhu cầu học lái ô tô
Lần đầu tiên tại TP.Đà Nẵng đã đặt những tiền đề để không chỉ thanh niên ra quân có nhiều cơ hội việc làm hơn mà còn tránh lãng phí nguồn lực đã trui rèn trong môi trường quân ngũ.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hương, Phó tư lệnh Quân khu 5, cho rằng chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ rất mới, đúng và trúng để nâng cao chất lượng giải quyết chế độ, chính sách cho quân nhân xuất ngũ. Trong đó, cần nhiều ngành, nhiều cấp cùng vào cuộc để giải quyết các bất cập, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp cần lao động tham gia đào tạo trực tiếp.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, năm 2024 TP.Đà Nẵng có 1.275 quân nhân xuất ngũ, qua khảo sát có đến 844 (hơn 66%) đăng ký học lái ô tô, trong đó 448 người học hạng B2, 396 người học hạng C. Chỉ 56 người đăng ký học các nghề khác, 259 người chưa hoặc không có nhu cầu học nghề (hơn 20%).
Tại buổi gặp mặt, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ năm 2024 của Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), anh Bùi Duy (21 tuổi, ngụ P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) đăng ký học lái ô tô, do trước mắt anh chưa xác định được nhu cầu nghề nghiệp cho mình, trong khi thời hạn thẻ học nghề chỉ 1 năm, nên... tranh thủ.
Tại khu vực hướng nghiệp học nghề công nghệ ô tô có khá ít thanh niên tìm hiểu. Anh Từ Tấn Minh (23 tuổi, ngụ P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà) nằm trong số đó. Anh Minh cho biết mình chọn nghề này bởi trước khi xuất ngũ đã được tư vấn chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp và quy trình nhập học nghề công nghệ ô tô.
Số liệu từ Trường trung cấp nghề Giao thông công chính Đà Nẵng cho thấy từ năm 2021 - 2023 trường đào tạo cho 788 quân nhân xuất ngũ học nghề lái ô tô, chiếm đến 80%. Dù các nghề khác cũng có nhiều chính sách ưu tiên không kém như miễn 100% học phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, giới thiệu việc làm khi tốt nghiệp, nhưng giai đoạn này vẫn có 26 người học nghề công nghệ ô tô (chiếm 2,8%), 13 người học công nghệ thông tin (1,4%), 7 người học nghề điện dân dụng (0,8%) và 132 người học các ngành nghề khác (kỹ thuật điện lạnh, điện công nghiệp, hàn…, chiếm 14,2%).
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, cho biết Sở phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng tổ chức các ngày hội, mở các phiên giao dịch việc làm định kỳ và riêng cho quân nhân xuất ngũ. Tuy nhiên, qua khảo sát, 89% thanh niên ra quân có nhu cầu học lái ô tô. Thành phố hỗ trợ 16,5 triệu đồng/người/khóa học bằng C, 14,5 triệu đồng/người/khóa học bằng B2. Thanh niên xuất ngũ học xong có thể tự tìm việc làm hoặc đơn vị đào tạo giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp.
Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
Việc đa số quân nhân xuất ngũ chọn nghề lái xe gây ra sự chênh lệch cung - cầu trên thị trường lao động, có phần lãng phí đào tạo nghề. Bởi không phải ai học xong cũng có thể làm tài xế và sống được với nghề.
Theo Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, hiện 8 hãng taxi với 1.700 xe hoạt động rất chật vật, khó khăn khi tăng đầu xe và hầu như các hãng cũng chưa có ý định mở rộng. Những năm trước, doanh nghiệp hội viên cũng ưu tiên nhận quân nhân xuất ngũ nhưng hiện đã gần hết quý 1 mà tình hình chung của doanh nghiệp vận tải vẫn đang "tơi tả" và dự báo năm 2024 còn khó khăn hơn nên tuyển dụng rất ít. Trong khi đó, dịch vụ gọi xe công nghệ phát triển nhanh, hàng ngàn phương tiện đưa ra hoạt động trong thời gian ngắn, tạo sự cạnh tranh khốc liệt nên ngày càng khó khăn cho những tài xế mới.
Tại buổi gặp mặt quân nhân xuất ngũ Q.Hải Châu tháng 2.2024, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nêu rõ quan điểm cần giải quyết thực trạng đào tạo lâu nay. Đó là không chỉ xuất phát một chiều từ cơ quan nhà nước mà phải nhìn vào nhu cầu doanh nghiệp; cũng không thể theo lối mòn, thói quen là sau khi quân nhân xuất ngũ thì được cấp một khoản tiền, một phiếu học lái xe.
"Lái xe cũng là một nghề, nhưng tất cả đều học lái xe thì không ổn. Hiện nay ô tô trở nên phổ biến, học lái ô tô cũng là một kỹ năng như học bằng lái xe máy trước đây. Quan trọng là chúng ta phải tạo cho thanh niên một nghề có thu nhập ổn định, trở thành những quân nhân chuyên nghiệp hay kỹ sư, làm trong lĩnh vực khác chứ không chỉ đi bộ đội về là làm lái xe", ông Nguyễn Văn Quảng chỉ rõ.
Do đó, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo tăng cường quản lý chính sách đào tạo nghề, đầu tư mở rộng cơ sở, ngành nghề, hình thức đào tạo để đáp ứng nguyện vọng người học cũng như thị trường lao động, cùng với quy chế phối hợp giữa chính sách đào tạo và giải quyết việc làm.
Bình luận (0)