Đến thời điểm hiện tại, Dương Quốc, học sinh lớp 12, Trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng, cho biết vẫn chưa lựa chọn được ngành học cụ thể mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sắp cận kề. Quốc cho biết có năng khiếu về những môn khoa học tự nhiên và mong muốn chọn khối ngành kỹ thuật. Quốc muốn biết những ngành kỹ thuật nào có cơ hội việc làm cao?
Nguyễn Thu Hiền, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Chu Trinh, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Mình cảm thấy bản thân phù hợp với khối kinh tế và hy vọng đậu ngành marketing của Trường ĐH Tài chính - Marketing. Tuy nhiên, mình cũng lo lắng vì không biết sau khi ra trường ngành này có dễ xin việc làm hay không. Với mình, việc chọn ngành phải là sự cân bằng giữa đam mê và nhu cầu của xã hội. Được làm ở lĩnh vực mình đam mê mà khó khăn trong quá trình xin việc làm thì cũng không trọn vẹn”.
Cùng quan điểm với Thu Hiền, Nguyễn Quang Nam, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10 (TP.HCM), cho biết việc chọn ngành ở hiện tại phải cân bằng được 3 yếu tố: đam mê, năng lực cá nhân và nhu cầu của thị trường lao động. Quang Nam khẳng định chỉ có đảm bảo được những yếu tố trên mới giúp bản thân có được việc làm ưng ý trong tương lai.
“Mình yêu thích công nghệ thông tin nhưng gần đây lướt TikTok thấy có nhiều người đăng video nói rằng ngành này rất khó xin việc. Thật sự hiện nay có quá nhiều nguồn thông tin khiến mình bị hoảng. Mình cần biết được trong 4 năm tới, sau khi ra trường thì nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này có còn nhiều hay không. Mình biết học đại học sẽ rất tốn kém, ra trường mà không có việc làm ổn định nữa thì rất có lỗi với ba, mẹ”, Quang Nam chia sẻ.
Người trẻ còn đang phân vân trong việc chọn ngành, nghề trong tương lai có thể tham khảo số liệu dưới đây của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, về nhu cầu lao động trong 5 năm tới. Từ đây, các bạn có thể cân nhắc để lựa chọn ngành học cân bằng được 3 yếu tố: đam mê, năng lực bản thân và nhu cầu của thị trường lao động.
Theo kết quả dự báo của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết giai đoạn 2025 - 2030, bình quân hàng năm nhu cầu nhân lực cần từ 310.000 - 330.000 chỗ làm việc.
Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất - nhựa cao su.
Bên cạnh đó còn có 9 ngành dịch vụ chủ yếu gồm: tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; giáo dục - đào tạo; du lịch; y tế; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học công nghệ, nghiên cứu và triển khai; thương mại; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin.
Về nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu bình quân hàng năm cần 65.100 - 69.300 chỗ làm việc, chiếm tỷ trọng 21%.Về nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu bình quân hàng năm cần 170.500 - 181.500 chỗ làm việc, chiếm tỷ trọng 55%.
Bình luận (0)