Hội thảo đã chia thành 2 luồng ý kiến rõ rệt. Một bên là cựu phi công Mai Trọng Tuấn và một số chuyên gia với quan điểm đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM dọc theo kinh tuyến 106 độ Đông hay còn gọi là Đường bay vàng sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Phía Cục Hàng không VN, Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), Bộ GTVT thì đưa ra các luận điểm ngược lại.
Đừng phức tạp hóa
Về tính hiệu quả Đường bay vàng, ông Mai Trọng Tuấn đề nghị nên tư duy đơn giản chứ không nên phức tạp hóa vấn đề. Cụ thể nếu thực hiện theo Đường bay vàng, khoảng cách từ Hà Nội đi TP.HCM sẽ rút ngắn 142 km so với đường bay hiện tại, giảm được 12 phút bay, tiết kiệm được 1.500 lít nhiên liệu, tương đương 30 triệu đồng/chuyến bay hoặc 550 tỉ đồng/năm với tần suất khai thác bay hiện nay. Ông Tuấn cũng chỉ trích Cục Hàng không và Bộ GTVT khi gửi các báo cáo tới Thủ tướng cũng như cơ quan chức năng đã làm phức tạp vấn đề về an ninh quốc phòng và các điều kiện kỹ thuật bay.
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm đến từ TP.HCM cũng cho rằng, các lập luận của Cục Hàng không và Bộ GTVT phản bác Đường bay vàng qua các báo cáo gửi Chính phủ, cơ quan chức năng trước đây đã có nhiều điểm mâu thuẫn và không thuyết phục khi vừa thừa nhận Đường bay vàng có thời gian bay ngắn hơn đường bay hiện tại nhưng lại phủ nhận hiệu quả kinh tế của đường bay này.
“Việc thành lập đường bay phải xem xét đến các yếu tố an toàn, an ninh quốc phòng, sau đó mới tính đến hiệu quả kinh tế” - Ông Bùi Văn Võ, Trưởng ban Quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không VN “Đường hàng không là đường thẳng nối với hai điểm; còn hiện tại, hàng không VN đang theo đường vòng” - Ông Trần Đình Bá |
Người đã từng đưa ra mức thách cược 5 triệu USD với Cục Hàng không, ông Trần Đình Bá, khẳng định: Đường hàng không là đường thẳng nối với hai điểm; còn hiện tại, hàng không VN đang theo đường vòng. Ông Bá cũng đề nghị các cơ quan cần xem xét vấn đề riêng diện tích hạ tầng sân bay của VN đã ngang diện tích Singapore nhưng hiệu quả khai thác hàng không chỉ xếp thứ 6 trong khu vực.
Không có hiệu quả?
Phản bác Đường bay vàng, ông Bùi Văn Võ, Trưởng ban Quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không cho rằng đề xuất này “quá sơ sài về mặt chuyên môn và dựa vào nhiều thông tin lạc hậu”. Theo ông Võ, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng qua phối hợp với các đơn vị hữu quan đã nghiên cứu, thiết lập ra 2 phương án bay theo hướng của Đường bay vàng và thấy có ngắn hơn so với đường bay hiện tại khoảng 40-60 km nhưng không thể có bất kỳ phương án đường bay nào có cự ly chỉ là 1.000 km để dẫn tới việc tiết kiệm nhiên liệu và thời gian bay như đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn.
Nếu theo các phương án này, đường hàng không đi qua lãnh thổ 3 nước VN, Lào, Campuchia sẽ trở thành đường hàng không quốc tế. Theo đó, việc hoạch định, thiết lập, tổ chức khai thác đường hàng không quốc tế phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và pháp luật của cả 3 nước. Bên cạnh đó, Đường bay vàng có quá nhiều điểm giao cắt biên giới, chuyển giao qua nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu (11 cơ sở), giao cắt các đường hàng không khác (15 nút giao cắt) với thời gian chuyển giao quá ngắn (có nhiều lần chuyển sóng liên lạc chỉ trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 phút bay) là yếu tố tăng nguy cơ tiềm ẩn uy hiếp an toàn bay, gây khó khăn cho việc chuyển giao kiểm soát của các cơ quan kiểm soát không lưu, ảnh hưởng đến khối lượng công việc của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu cũng như tăng cường độ làm việc đối với người lái, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn bay. “Việc thành lập đường bay phải xem xét đến các yếu tố an toàn, an ninh quốc phòng, sau đó mới tính đến hiệu quả kinh tế” ông Võ nhấn mạnh.
Về hiệu quả kinh tế, đại diện Cục Hàng không cho rằng Đường bay vàng sẽ không có hiệu quả vì chi phí hàng không sẽ tăng thêm do phải đóng tiền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho Lào, Campuchia (320 USD và 454 USD đối với loại tàu bay B777, chưa kể phụ thu trong ngày nghỉ và ngày lễ của Campuchia) và phải chịu các khoản phí, lệ phí đối với chuyến bay quốc tế.
Tranh luận “bất tận”?
Cuộc tranh luận giữa hai bên trở nên gay cấn khi cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho rằng, dù phủ nhận Đường bay vàng của ông nhưng qua một số kế hoạch, định hướng một số đường bay cụ thể của Cục Hàng không thời gian gần đây cho thấy có sự “trùng lặp về ý tưởng”. Phản bác lại, ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không nói những định hướng đã có từ năm 2008, trước thời điểm đề xuất của ông Tuấn.
Nhiều vấn đề khác đã được đề cập tại cuộc hội thảo. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số đại biểu, nếu tiếp tục theo hướng này thì đây sẽ là một cuộc tranh luận bất tận mà phần thắng sẽ không thuộc về ai.
Thái Sơn
Bình luận (0)