Tranh luận nảy lửa vụ án cưa cây gỗ khô, 5 người thành ăn trộm

10/08/2019 06:00 GMT+7

HĐXX, đại diện Viện KSND cùng luật sư tranh luận nảy lửa ở phiên phúc thẩm lần 3 vụ án “trộm cắp tài sản”, tài sản bị trộm là 1 cây gỗ trắc đã chết khô.

Ngày 9.8, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lần 3 vụ án “trộm cắp tài sản” đối với 5 bị cáo Phan Tiến Dũng (kiểm lâm tại Ban quản lý rừng Đăk dụng Đăk Uy), Nguyễn Văn Bảy (38 tuổi), Nguyễn Văn Thụ (42 tuổi), Lê Quốc Khánh (40 tuổi), Nguyễn Ngọc Bình (39 tuổi, cùng trú tại H.Đăk Hà, tỉnh Kon Tum)
5 bị cáo bị đưa ra xét xử về hành vi cưa 1 cây gỗ trắc đã chết khô thuộc rừng đặc dụng Đăk Uy (Kon Tum), chiều dài 2m, khối lượng 0,123m3 (được định giá hơn 19 triệu đồng) sau đó bị xử lý tội "trộm cắp tài sản". Khi đang thực hiện cưa gỗ, nhóm người này bị cơ quan chức năng phát hiện nên bỏ lại gỗ ở rừng.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử 5 bị cáo trong vụ trộm tài sản

Trước đây, ngày 27.9.2017, TAND H.Đăk Hà xử sơ thẩm lần 2 tuyên 5 bị cáo từ 12-15 tháng tù tội “trộm cắp tài sản”. Ngày 1.6.2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên 5 người này không phạm tội. Tuy nhiên đến ngày 26.7.2018 Chánh án TAND tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng các bị cáo có tội “trộm cắp tài sản” nên sau đó, tháng 6.2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án phúc thẩm tuyên 5 bị cáo không phạm tội để xét xử lại theo hướng có tội “trộm cắp tài sản”.
Tranh luận tại phiên tòa, LS Trần Cao Đại Kì Quân cho rằng căn cứ vào các quy định của pháp luật các bị cáo hành vi khai thác gỗ trắc của các bị cáo chỉ có thể xử lý hành chính. Nếu cố tình ghép các bị cáo tội “trộm cắp tài sản” không chỉ làm oan sai các bị cáo mà còn không phục vụ cho cải cách tư pháp.
Tranh luận nảy lửa vụ án cưa cây gỗ khô, 5 người thành ăn trộm

5 bị cáo tại phiên xét xử

LS Quân cũng chỉ ra rằng tại nhiều địa phương khác cũng xảy ra các sự việc tương tự nhưng chưa có nơi nào xử lý tội “trộm cắp tài sản”. Thậm chí, ngay sau vụ án của các bị cáo, có vụ cũng vào rừng đặc dụng Đắk Uy khai thác trái phép với giá trị lớn hơn nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính.
Ngay trong lúc luật sư Quân đang tranh luận, Chủ tọa phiên tòa liền cắt ngang và cho rằng luật sư không đi vào chủ đề chính, đưa ra một vụ án khác không liên quan đến vụ án này để tranh luận.
Ngay lập tức luật sư Quân liền phản ứng, 2 vụ án tương tự nhau về 1 hành vi, cùng xảy ra tại rừng đặc dụng Đăk Uy tuy nhiên lại khác nhau về tội danh. “Cùng một hành vi mà có vụ xử lý hành chính, còn vụ này các bị cáo thì xử lý hình sự. Các bị cáo có hằn thù cá nhân ở đây hay không? Chúng tôi nghi ngờ hay ở các vụ tương tự có sự lót tay, chung chi. Người dân người ta bảo ở đây xử theo luật rừng, muốn xử sao thì xử” LS Quân nói và lo ngại nếu cố xử các bị cáo có tội thì gia đình, con cái các bị cáo sẽ ảnh hưởng tới tương lai.
Tại phiên tòa, Đại diện VKSND tỉnh Kon Tum cho rằng rừng đặc dụng Đăk Uy do nhà nước có bỏ vốn ra trồng trong đó có khúc gỗ trắc chết khô. Mục đích các bị cáo vào rừng cưa cây gỗ này là để chiếm đoạt. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp, không bị oan.
Đại diện VKSND tỉnh Kon Tum nêu quan điểm: "Chức năng của pháp luật tôi nghĩ rằng pháp luật có chức năng giáo dục, chức năng bảo vệ. Trong đó chức năng bảo vệ là chức năng vô cùng quan trọng của pháp luật. Khu rừng trắc ở Đăk Uy là rất quý hiếm, và được bảo vệ nghiêm ngặt. Khu rừng có giá trị bảo vệ nguồn gen quý nên khu rừng này xứng đáng được pháp luật bảo vệ. Nếu không được bảo vệ thì còn gì là rừng".
“Nếu rừng trắc bị phá hoại, thì chúng ta sẽ ăn nói làm sao với thế hệ con cháu sau này. Tại sao không bảo vệ được rừng trong khi có đầy đủ các phương tiện, đầy đủ con người, vật lực như thế mà không bảo vệ được rừng, phải để cho rừng tuyệt chủng. Do vậy chúng tôi kết luận hành vi của các bị cáo là phạm tội trộm cắp tài sản chỉ vì mục đích bảo vệ rừng. Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm”, vị này cho biết.
Đại diện VKS tiếp tục tranh luận “Chúng tôi không có thù hằn với các bị cáo, mà chúng tôi vì lợi ích cao cả, lợi ích lớn lao, lợi ích chung của cả xã hội. Vì độ quý giá của rừng đặc dụng Đăk Uy nên nếu không mạnh tay xử lý thì không còn bao lâu nữa rừng sẽ bị tuyệt chủng. Bởi vậy VKS luôn nhất quán và giữ nguyên quan điểm các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản. Những vụ việc tương tự mà các luật sư đưa ra tôi không biết và cũng không có tình tiết liên quan đến việc xét xử ngày hôm nay nên chúng tôi không tranh luận với luật sư.”
Kết thúc phần tranh luận đại diện VKS, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Bảy, Bình, Thụ được hưởng án treo; bị cáo Khánh 14 tháng tù, Dũng 12 tháng tù.
Tranh luận cuối cùng, 5 luật sư bào chữa cho 5 bị cáo nhấn mạnh, rừng Đắk Uy là rừng tự nhiên, không phải rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh, do đó không thể xử lý tội trộm cắp tài sản, theo Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015, và chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013.
Chiều cùng ngày, do còn nhiều nội dung cần hội ý, nên HĐXX thông báo sẽ tuyên án vào chiều 12.8.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.