Tranh luận trái chiều về cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

25/11/2023 06:07 GMT+7

Vấn đề có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay không vẫn là chủ đề gây tranh luận khi Quốc hội thảo luận luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chiều 24.11.

Chỉ 2 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Quang Phương cho biết việc dự thảo luật quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn mở rộng hơn so với quy định tại luật Giao thông đường bộ hiện hành. Ở luật Giao thông đường bộ hiện nay, chỉ cấm tuyệt đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, còn người điều khiển xe gắn máy thì có mức giới hạn là 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở.

Phó chủ tịch Quốc hội cho biết qua thảo luận tổ, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị cân nhắc vấn đề cấm tuyệt đối như dự thảo luật và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất. Cũng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể cấm với người điều khiển phương tiện nào là phù hợp. Ông Phương cũng thông tin theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018 ở 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, chỉ có 2 quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định tỷ lệ nồng độ cồn trong máu là 0. Còn lại 90% các quốc gia quy định mức cao hơn là 0,03% mới là ngưỡng vi phạm.

Tranh luận trái chiều về cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

Thảo luận sau đó, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết khi tiếp xúc với ĐB Quốc hội, cử tri, người dân rất băn khoăn về quy định này. "Họ kiến nghị là đồng ý phải xử phạt nhưng uống rượu phải đến mức nào đó thì mới phạt. Thực tế cho thấy rượu bia chỉ có tác hại khi uống quá thôi, khi chưa quá cũng chưa phải nguy hiểm. Do đó, cử tri đề nghị đến mức nào đó thì cấm chứ không phải là cấm tuyệt đối", ông Tám nêu. Tương tự, ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cũng bày tỏ quan điểm không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt. Ông cho biết thêm một người uống ly nước nho ngâm với đường nhằm tiêu hóa thức ăn, hoặc uống thuốc thì vẫn có nồng độ cồn vượt 0, khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt mặc dù không uống rượu bia, là chưa hợp lý. Theo ông Bình, quy định này sẽ dẫn đến tranh cãi giữa các bên khi thổi nồng độ cồn và thực tế đã xảy ra.

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00

Chuyện "nồng độ cồn bằng 0" làm nóng nghị trường quốc hội

Tìm căn cứ khoa học cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Ngược lại, một số ĐB đồng tình với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn vì cho rằng quy định này đã có trong luật Phòng, chống tác hại rượu bia, có hiệu lực từ 1.1.2020 và đang cho kết quả rất tốt trong việc kiềm chế tai nạn giao thông. ĐB Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng tác hại của việc người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên, có trên 50% số vụ liên quan người lái xe gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu, hơi thở.

Cạnh đó, ĐB đoàn Bắc Giang cho rằng quy định của pháp luật nên tường minh, giúp người dân dễ chấp hành, có thể tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm. Do đó, giữa lựa chọn đặt ngưỡng hay cấm uống rượu thì phương án cấm sẽ tường minh, giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng có thể đánh giá được mình vi phạm hay không. Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật an toàn giao thông nói riêng của xã hội ta hiện còn chưa cao nên việc quy định cấm sẽ là phù hợp hơn.

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00

Đề nghị nêu rõ bằng chứng khoa học để quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Tranh luận với ĐB Thịnh, ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng Quốc hội quyết định các vấn đề cần dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể dựa trên cảm tính. Theo ĐB, trong hồ sơ dự án luật, Chính phủ cũng khẳng định sẽ nghiên cứu và sẽ có căn cứ khoa học cho vấn đề này. "Tức là tại thời điểm này là chưa có căn cứ khoa học", ông Hoàng Anh nêu. Cạnh đó, ĐB cho hay ông đã xem lại hồ sơ dự án luật Phòng, chống tác hại rượu bia thì cũng chưa có tài liệu của cơ quan có thẩm quyền khẳng định bằng chứng khoa học của việc này.

Tranh luận trái chiều về cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn - Ảnh 2.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai)

Gia Hân

ĐB Gia Lai cũng đề nghị quy định cấm không nên ảnh hưởng, hạn chế các ngành nghề mà nhà nước đang khuyến khích như y học dân tộc. "Ví dụ chúng ta sử dụng 5 - 10 ml rượu thuốc để chữa bệnh thì có thể vi phạm ngay", ông Hoàng Anh nêu. Từ đó, ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ KH-CN trả lời chính thức cho Quốc hội về căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học để quy định cấm tuyệt đối như dự thảo.

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00

Ngỡ ngàng thấy CSGT đo nồng độ cồn giữa trưa ở trung tâm TP.HCM

Có cần thiết đổi giấy phép lái xe cấp trước ngày 1.7.2012 ?

Dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đề xuất giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn được cấp trước ngày 1.7.2012 phải đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ nội dung trên. Ông Bình dẫn số liệu từ Cục Đường bộ VN cho thấy cả nước có khoảng 22 triệu GPLX mô tô không thời hạn được cấp từ năm 1995 đến tháng 7.2012. Trong khi đó, lệ phí cấp đổi GPLX theo quy định là 135.000 đồng. Theo tính toán của vị ĐB, nếu cấp đổi toàn bộ số GPLX đã nêu thì người dân phải tốn 2.970 tỉ đồng.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐB thảo luận tại tổ, Chính phủ cho hay việc đổi GPLX không thời hạn cấp trước ngày 1.7.2012, từ chất liệu giấy sang chất liệu nhựa PET, là cần thiết. Lý do, những GPLX này còn thiếu một số thông tin cơ bản như ngày, tháng sinh, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân..., dẫn tới không thể đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước. Mặt khác, do sử dụng trên 10 năm, các GPLX đã cũ, nhàu, nát; cần chuyển đổi sang GPLX thẻ nhựa mới có thể tích hợp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu. Dù vậy, Chính phủ cũng thừa nhận việc này sẽ phát sinh chi phí và thời gian cho người dân. Chính phủ sẽ thực hiện chuyển đổi có lộ trình, nghiên cứu các mức chi phí, biện pháp thực hiện đảm bảo thuận lợi nhất.

Bình luận (5)

avatar-user
Anh hà

Tôi cũng không thích bia rượu nhưng theo tình hình phát triển kinh tế và phong tục văn hóa của mình thì nên có qui định xử phạt ở mức độ nào đó chứ không nên cấm tuyệt đối, người dân đâu có đủ điều kiện kinh tế để có người đưa kẻ đón ...chả nhẽ đi tiệc uống một hai lon bia xong về cả ngày ở nhà đi đâu cũng phải thuê xe đi à.

Trả lời 0 1 năm trước
avatar-user
Ky Quoc

Nếu đã cấm tuyệt đối nồng độ cồn, theo quan điểm của tôi thì cấm sản xuất, mua bán, nhập khẩu tất cả các rượu và đồ uống có cồn nhé

Trả lời 0 1 năm trước
avatar-user
hH6ep1Yp7xGWagBQVraSnA

Nồng độ cồn ? Khi đưa ra bất kể một quy định gì để áp dụng chung cho toàn xã hội đều phải nhìn nhận yếu tố công bằng, khách quan, tránh xung đột, mâu thuẫn và trên hết vẫn là vì lợi ích của toàn xã hội. “Nồng độ cồn chỉ là 1 vấn đề nhỏ” mà mất thời gian của Quốc hội nhiều quá. Chúng ta đặt ra tiêu chí để giải quyết vấn đề là an toàn giao thông. Vậy an toàn giao thông đâu chỉ liên quan vấn đề nồng độ cồn. Ví dụ: 1 người có nồng độ cồn đo được bằng hoặc thấp hơn 0,05ml khi tham gia giao thông thì xác xuất xảy ra tai nạn so với các trường hợp khác như: Động vật thả rông, chạy xe quá tải, quá tốc độ, lạng lách đánh võng…., loại cơ giới tham gia giao thông không đủ chuẩn và cả các trường hợp yêu cầu đảm bảo đối với an toàn lưu thông (ổ gà, biển báo, công trình trái phép vi phạm lộ giới, chiếu sáng ….) có quá nhiều vấn đề nguy hiểm để xảy ra tai nạn mà theo nhận định của cá nhân tôi thì mức độ nguy hiểm của nồng độ cồn bằng hoặc thấp hơn 0,05mg/l cũng chỉ tương đương hoặc còn thấp hơn nhiều so với các trường hợp nêu trên. Vậy đưa nồng độ cồn về mức bằng “0” một con số quá chuẩn, quá tuyệt đối nếu xét phương diện kỹ thuật thì có phù hợp không, có chắc là tất cả máy đo không có sai số ? . Ngoài ra còn kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy cho xã hội: tốn giấy mực, thời gian thẩm định, thử máu, kiện tụng, tranh cãi, ảnh hưởng nặng nề về thu nhập, việc làm, không đủ tiền nuôi con chữa bệnh còn phải nộp phạt số tiền quá lớn. Trong khi những chế tài cho các trường hợp còn nguy hiểm hơn nông độ còn 0,05mg/l không được để ý. Ví dụ: có 1 cái ổ gà gây tai nạn cho hàng chục người thì để cả tháng, thậm chí hàng năm không xử lý, khi xảy ra tai nạn chết người không thấy ai chịu trách nhiệm.

Trả lời 0 8 tháng trước
Xem thêm bình luận (2)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.