Thế nào là đặt cược bất hợp pháp?
Dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung thêm khoản 7 điều 10 về “Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao (TDTT) để tổ chức đặt cược, đặt cược bất hợp pháp”. Theo đại biểu (ĐB) Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn Nghệ An), trong hệ thống pháp luật hiện hành chưa có khái niệm đặt cược bất hợp pháp. Do đó, bổ sung vào dự luật nội dung cấm lợi dụng hoạt động TDTT để đặt cược bất hợp pháp là rất cần thiết.
|
“Tuy nhiên, quy định như điều 10 chưa đảm bảo các điều kiện cho việc áp dụng pháp luật. Đề nghị nên cân nhắc làm rõ phạm vi khái niệm đặt cược bất hợp pháp trong mối quan hệ với các hành vi bị xử phạt hành chính theo Nghị định 06 của Chính phủ, đồng thời bổ sung các điều kiện viện dẫn để bảo đảm tính khả thi trong áp dụng”, bà Kiều Trinh đề nghị.
Tuy nhiên, ĐB Bùi Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cùng cho rằng luật hóa quy định này tại thời điểm này là chưa cần thiết. Theo các ĐB này, Chính phủ vừa đồng ý cho cá cược đua ngựa, đua chó và thí điểm cá cược bóng đá quốc tế hồi đầu năm nay nên cần có thời gian để tổng kết thí điểm.
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) lại đặt vấn đề: “Thực tế nó vẫn đang diễn ra tràn lan thì có nên quản lý? Trong khi chúng ta thừa nhận thực tế nó tồn tại mà không quản lý thì bị mất nguồn thu. Còn một khi quản lý tốt thì sẽ đảm bảo an ninh và có thêm tiền cho ngân sách cho nên cần đưa vào luật từng bước một”.
Có luật, tổ chức tốt sẽ hạn chế mặt trái
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề phổ biến ở nhiều nước mà họ quản lý rất tốt, không để rối loạn xã hội. Đây cũng là một thú vui của người dân, có thể dễ bị biến tướng cho xấu đi, mang tính ăn thua, ảnh hưởng trật tự xã hội nên càng phải quản lý.
“Dù Chính phủ đã có nghị định đặt cược, nhưng đó không phải là luật. Giờ sau hơn 10 năm chúng ta mới sửa luật này, không biết bao lâu nữa mới sửa lại nên lúc này là cơ hội để đổi mới”, ĐB Trí phân tích và nhấn mạnh ông đồng ý với đa số ý kiến của thành viên Chính phủ khi tờ trình của cơ quan này cho rằng cần thiết quy định, nhưng chỉ giới hạn một số hoạt động có đủ điều kiện, để Chính phủ quyết định danh mục được kinh doanh, đặt cược.
Tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật cho hay, có 19/27 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao. Tuy nhiên, 4/27 thành viên Chính phủ lại đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao. Giải trình tiếp thu ý kiến ĐB, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung để trình Chính phủ xem xét với tinh thần thận trọng.
Doanh nghiệp nội yếu thế khi cạnh tranh trên sân nhà
Thảo luận tại QH về luật Cạnh tranh sửa đổi sáng 15.11, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết nhiều cử tri, doanh nghiệp (DN) trong nước phản ánh những bất hợp lý, bất công khi hàng hóa, dịch vụ VN vừa vất vả giữ thị phần ở nước ngoài vừa phải cạnh tranh gian khổ trong nước trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn bán lẻ nước ngoài.
Theo ông Nghĩa, VN đã mất rất nhiều tài nguyên, rất nhiều ưu đãi về thuế, đất cát và lao động giá rẻ cho các DN nước ngoài, nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng. Ông Nghĩa cũng chỉ ra thực trạng có nhiều DN nước ngoài trong hàng chục năm luôn khai lỗ trong khi doanh số tăng đều, cơ sở luôn mở rộng, sau đó chuyển nhượng với giá cao và thu được số lãi không nhỏ. Còn các DN Việt thì bị hạch sách, nhũng nhiễu, không có phong bì không qua được cửa ải hành chính, trong khi chúng ta hầu như bất lực với các vụ thắng thầu chỉ nhờ kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao nhưng sau thì đội vốn...
Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng vấn đề quan trọng nhất khi sửa đổi luật Cạnh tranh là phải tạo ra bình đẳng trong phát triển kinh tế, hoàn thiện các quy định kiểm soát cạnh tranh, khắc phục tình trạng bỏ lọt hay khó chứng minh hành vi vi phạm cạnh tranh của DN. Giải trình trước QH, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh luật sửa đổi lần này đã đưa ra khái niệm đảm bảo tính thống nhất về cạnh tranh bền vững, bình đẳng.
Cũng trong sáng 15.11, với đa số ĐB tán thành, QH đã chính thức thông qua luật Lâm nghiệp. Theo luật, UBND cấp tỉnh được quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng với tổ chức, cho DN có vốn đầu tư nước ngoài tại VN thuê đất trồng rừng sản xuất.
QH quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên. Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành.
Mai Hà
|
Bình luận (0)