Có nên dẹp bỏ “khu vườn tượng kinh dị” ở Tây Ninh?
|
Như Thanh Niên ngày 26.9 đã thông tin, sau khi người dân địa phương phản ánh một khu vườn ở ấp Long Hải, xã Trường Tây, H.Hòa Thành (Tây Ninh) có nhiều tượng làm người dân sợ hãi, chính quyền đã vào cuộc, buộc chủ nhân tháo dỡ một số bức tượng vì 'có tính chất kích động, bạo lực... nằm trong quy định cấm theo Nghị định 103 của Chính phủ ngày 6.11.2009'.
Tạc tượng tội ác ở thế gian
Khu vườn của ông Phạm Chứng (72 tuổi, ngụ TP.HCM), không có rào chắn xung quanh, không có cổng và nằm ngay ngã ba trong khu dân cư nên người dân dễ dàng nhìn thấy những tượng từ bên ngoài. Nói chuyện với PV Thanh Niên ngày 27.9, chủ nhân khu vườn bày tỏ: “Những bức tượng đầu người lúc trước dựng đứng trong vườn giờ tôi đã cho hạ xuống rồi. Còn những tượng có màu trắng như hiện nay mà nhiều người chứng kiến là do tôi đã cho sơn lại theo lời đề nghị của Phòng VH-TT. Chứ đúng ra trước đó, những bức tượng tôi sơn hình máu me sinh động đến nỗi ai nhìn vào cũng phải sợ”. Ông Chứng nói thêm: “Coi như họ cũng phát hiện trễ, chứ nếu như sớm hơn thì tôi đã không hoàn thành được những tác phẩm này rồi”.
|
Lý giải về những bức tượng “dao đâm đầy máu me” mà ông đã tạo ra và đặt tại khu vườn này, ông Chứng nói: “Đó là những nạn nhân của tội ác ở thế gian. Từng bức hình tôi cũng có đề bảng như nạn nhân của trộm cướp, nạn nhân của tội ác giết người, nạn nhân của tai nạn giao thông, tự tử, xì ke ma túy, nạn nhân của đánh ghen bị rạch mặt, nạn nhân của hiếp dâm, diệt khẩu… Tôi chỉ làm những bức hình này để lại cho con cháu tôi”.
Về các tượng 'xác ướp', ông Chứng giải thích 2 tượng (một nam và một nữ) ở cửa trước là ông nội, bà nội và 2 tượng phía cửa sau là ông ngoại, bà ngoại ông. Đối với khu mộ được xây dựng giữa khu vườn, ông Chứng nói: “Chỉ còn lại tro cốt của ông bà tôi thôi”.
Hỏi số tượng được tạc và đặt trong khu vườn, ông Chứng nói “làm quá nhiều nên không nhớ hết”. “Tôi cứ cặm cụi làm như vậy hơn chục năm rồi mà không biết có vi phạm gì không?”, ông Chứng tỏ vẻ lo lắng sau khi chính quyền yêu cầu dỡ bỏ một số tượng.
Vi phạm hay không vi phạm?
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, ông Chứng không vi phạm quy định tại Nghị định 103. “Có thể nói đây là sở thích của cá nhân, là quyền tự do sáng tác của cá nhân trong mảnh đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân. Mấy bức tượng cho là "ma quái" này chỉ là chủ nhân chế tác theo ý tưởng mình và trưng trong sân để giải trí. Ông Chứng không tạo ra các sản phẩm để trưng bày nhằm mục đích kinh doanh, cũng không phải là không gian công cộng hay nơi sinh hoạt văn hóa của nhiều người nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 103 năm 2009 về quản lý trong kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Vì vậy, trong khuôn viên đất của mình thì ông Chứng muốn bày biện, sắp đặt gì thì làm, nhà nước không thể xử lý mà chỉ có thể vận động để ông Chứng tự tháo dỡ. Ngược lại, nếu chính quyền tự phá bỏ sẽ có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản và nếu gây thiệt hại cho ông Chứng thì phải bồi thường thiệt hại cho người dân”, luật sư Tuấn nói.
Trong khi đó, dịch giả Phạm Long, người dịch tác phẩm Điêu khắc hiện đại ra tiếng Việt, cho rằng: “Một khi nghệ sĩ đã sống ở trong cộng đồng dân cư chứ không phải nơi rừng sâu núi thẳm thì vẫn phải có tinh thần công dân. Anh phải xác định tác phẩm của mình không gây ô nhiễm môi trường, vì nó có tương tác với cộng đồng. Nếu có phản ứng về văn hóa, hay tôn giáo thì cần dỡ bỏ. Nếu cộng đồng không chấp nhận nó thì hoặc anh phải xây rào kín không để ai nhìn thấy, hoặc phải dỡ bỏ hoàn toàn”.
Tiếp tục yêu cầu dẹp bỏ tượng rùng rợn Sáng 30.9, UBND H.Hòa Thành tổ chức buổi khảo sát khu vườn của ông Phạm Chứng. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lỹ, Chủ tịch UBND H.Hòa Thành, cho biết UBND huyện sẽ cho dẹp bỏ những bức tượng mang tính chất “kinh dị, rùng rợn” tại khu vườn này. Cùng ngày, ông Trương Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Trường Tây, cũng có mặt tại khu vườn để nắm tình hình về tiến độ xử lý những bức tượng kinh dị. “Đến thời điểm này, ông Chứng vẫn chưa dẹp hết những bức tượng kinh dị nên chúng tôi tiếp tục vận động ông nhanh chóng khắc phục”, ông Đề cho biết. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chủ nhân khu vườn có cho sơn trắng một số tượng đầu người "dính" đầy máu me; đồng thời hạ hàng chục bức tượng đang đứng cho nằm xuống đất. Tuy nhiên, một số hình ảnh đầu người bị cắm dao, viên đạn găm thủng đầu hay cây xà beng xuyên qua đầu, máu me bê bết vẫn còn nằm ngổn ngang trên mặt đất. Sáng qua, Trung tâm y tế H.Hòa Thành phối hợp Trạm y tế xã Trường Tây cũng đến khu vườn khảo sát về mật độ muỗi và bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Bà Nguyễn Thị Thủy, nhân viên Trạm y tế xã Trường Tây, cho biết qua khảo sát thì khu vườn có chứa nước mưa, nhiều lăng quăng và muỗi nên kiến nghị ban quản lý ấp tháo nước các hồ có chứa nước để diệt lăng quăng. Giang Phương |
Ý kiến: “Đấy chẳng qua là một người thích thì nặn chơi thôi. Chứ chẳng nói gì giá trị nghệ thuật ở đó cả”. (Một giảng viên điêu khắc của ĐH Mỹ thuật Hà Nội) “Nên nói nhẹ nhàng, đừng thô bạo. Thuyết phục ông ấy đừng nên để ảnh hưởng xung quanh. Nếu thuyết phục không nghe cũng không thể bắt ông ấy bỏ đi được, vì không phạm pháp, nhưng có thể buộc ông ấy phải rào lại để khỏi ảnh hưởng chung. Nhưng nói chung, cố gắng thuyết phục là tốt nhất”. (Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt) “Tôi theo dõi việc này trên Báo Thanh Niên. Trừ khi ông này làm triển lãm thì chính quyền có quyền cấp phép hay không cấp phép. Đấy là việc bàn sau. Nhưng đây là việc làm trong nhà không phản động, không đồi trụy, không tôn giáo nên cũng không nên cấm. Phản mỹ thuật hay không cũng là việc của người ta. Trên đời này ai đi làm tác phẩm cũng mong làm cái đẹp. Tài hay không là việc khác. Nên cũng không thể nói là xấu thì không được bày. Về việc cộng đồng sợ, ngại, không dám đi qua, tôi nghĩ ở đây là mọi người tự sợ, chứ không phải ông ấy muốn làm cho người ta sợ. Cái sợ đó không bao giờ có thể sợ bằng nhiều tác phẩm của Picasso. Những khuôn mặt bảy mũi, tám mồm, hai chín cái răng. Tuy nhiên, ngoài chuyện sáng tạo còn chuyện văn hóa ứng xử. Theo tôi nên khuyến cáo ông ấy không nên để ảnh hưởng đến hàng xóm bằng cách xây tường hoặc trồng cây”. (Họa sĩ Lê Thiết Cương) Trinh Nguyễn |
Giang Phương - Lê Nga - Trinh Nguyễn
>> Video clip: Cận cảnh khu vườn kinh dị ở Tây Ninh
>> Cận cảnh 'khu vườn kinh dị' ở Tây Ninh
>> Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh
Bình luận (0)