Do cán bộ năng lực hạn chế, ý thức kém!
Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về dự thảo quy định đuổi học sinh viên khi bán dâm tới lần thứ 4, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tỏ ra khá tâm tư khi ông cho rằng, quy định, quy chế của ngành giáo dục rất nhiều và Bộ GD-ĐT đang rà soát lại các thông tư từ nhiều năm gần đây để sửa đổi những nội dung không phù hợp. Quy định về bán dâm đối với sinh viên đã có từ năm 2007 trong quy chế học sinh, sinh viên. Đến đầu 2016 cũng có thông tư có quy định. Khi rà soát, ông cũng đề nghị tất cả những nội dung không còn phù hợp phải bỏ hoặc sửa.
|
Còn về nguyên nhân tại sao dự thảo lại được đưa lên mạng gây bức xúc, ầm ĩ dư luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích: “Vấn đề đặt ra là khi sửa, ban soạn thảo hoặc cán bộ, cá nhân thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến có những ý kiến của xã hội. Khi nhận được thông tin, tôi chỉ đạo ngay, báo cáo và xử lý ngay. Quan điểm của tôi, với tư cách là Bộ trưởng, không cần phải đưa vào thông tư này”.
Ngay sau phần trả lời của ông Nhạ, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ GD-ĐT phải sửa ngay và rút kinh nghiệm về các quy định không hợp lý, phản cảm, gây bức xúc trong xã hội. "Một vấn đề chưa được bàn, đang trong quá trình soạn thảo như thế lại đưa lên mạng, gây bức xúc cho học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội. Đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo ngay, khắc phục ngay", Chủ tịch QH lưu ý.
tin liên quan
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Quy định đuổi học sinh viên bán dâm có từ năm 2007'“Hôm qua, tôi có hỏi một câu trong phần chất vấn của mình, đó là vai trò của người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm nhưng tôi không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc đưa lên dự thảo thông tư mà Bộ trưởng lại giao chuyển trách nhiệm đó cho một cá nhân khác. Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực quản trị của bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục có hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục”, ĐB Hiền nói.
Sau phần tranh luận của ĐB Hiền, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tiếp tục đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT rút kinh nghiệm vì trong phần trả lời chưa thấy nhận trách nhiệm, mà lại cho đó là trách nhiệm của một cán bộ chuyên môn.
Chia sẻ quan điểm với ĐB Hiền, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết bà đồng ý đã là người đứng đầu thì phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, bà cũng băn khoăn vì trong vấn đề quy định đuổi học sinh viên bán dâm lần thứ 4 thì vẫn đang trong quá trình xây dựng văn bản. “Như vậy, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý và xử lý vụ việc thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình. Đến thời điểm văn bản đã chính thức ban hành, lúc đó Bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”, ĐB Hạnh nói.
“BOT là những dự án hết sức nhạy cảm”
Chất vấn Bộ trưởng GTVT, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập những dự án thực hiện ở các công trình giai đoạn trước Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ QH (tháng 10.2017) nhưng các nhà đầu tư đã thực hiện hợp đồng ký với Bộ GTVT, hoàn thành và tất cả đưa vào nghiệm thu để hoạt động. Tuy nhiên, Bộ chưa cho phép thu phí hoàn vốn hoặc chỉ cho thu một phần là không đúng cam kết ở hợp đồng đã ký, doanh nghiệp vẫn phải trả nợ gốc, lãi, người lao động không công ăn việc làm, rất khó khăn. Vậy, Bộ trưởng đã có giải pháp gì để giải quyết?
Cho rằng dự án BOT là những dự án hết sức nhạy cảm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin vừa qua có một số dự án đã hoàn thành nhưng chưa đầy đủ các thủ tục để thu phí và một số dự án cho thu phí một phần. “Chúng tôi có trách nhiệm lớn với nhà đầu tư cũng như với xã hội. Việc này thì Bộ sẽ báo cáo từng trường hợp cụ thể”, ông Thể nói và cho biết hiện nay Bộ GTVT đang xem xét từng trường hợp cụ thể, trong đó có cả BOT Đèo Cả, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và một số dự án khác.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nêu, qua kết quả kiểm toán nhà nước năm 2017, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định, thiếu minh bạch, giảm sự cạnh tranh. Ví dụ, dự án BT rơi vào một doanh nghiệp sử dụng 100 ha đất đối ứng để tạo vốn thanh toán không qua đấu giá về đất cho một dự án đường có chiều dài 1,39 km. Như vậy, sẽ không bảo đảm tính ngang giá là kẽ hở thất thoát ngân sách nhà nước.
Thừa nhận vấn đề ĐB nêu là đúng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước ngày 1.1.2018, các địa phương, các bộ, ngành thanh toán BT bằng đất theo Quyết định 23/2015 của Thủ tướng. Kể từ 1.1.2018, luật Quản lý tài sản công có hiệu lực và trong tháng 10.2018, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định về hướng dẫn để thanh toán dự án BT bằng tài sản công và đất. "Đây là vấn đề rất phức tạp và Chính phủ cũng đã họp rất nhiều lần", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Thông tin tiếp theo từ Bộ trưởng là Chính phủ cũng đã có thông báo cho tạm dừng thanh toán BT bằng đất và giao Bộ Tài chính hướng dẫn. Chính phủ giao Bộ Tài chính thảo nghị quyết của Chính phủ về hướng dẫn dự án chuyển tiếp, đến nay đã xong, hiện Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ.
2 dự án bauxite “đã đạt được một số kết quả ban đầu”
Trong sáng 31.10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) liên quan đến hiệu quả kinh tế và đánh giá việc thí điểm 2 dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên. Ông Trần Tuấn Anh cho biết các dự án bauxite ở Tây nguyên đã đạt được một số kết quả ban đầu. Dự án alumin Tân Rai đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 10.2013, đã dần sản xuất ổn định, đến năm 2018 dự kiến sẽ đạt sản lượng 650.000 tấn alumin (đạt công suất thiết kế). Dự án alumin Nhân Cơ có sản phẩm alumin đầu tiên vào cuối năm 2016 và giữa năm 2017 đã vận hành thương mại. Theo kế hoạch, năm 2018 sản lượng đạt 580.000 tấn alumin và năm 2019 sẽ đạt công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin. Các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến công tác xử lý bùn đỏ, bảo vệ môi trường. Các vấn đề về môi trường, xã hội, an ninh, quốc phòng... theo mục tiêu đề ra được bảo đảm.
Về vấn đề đánh giá việc thí điểm khai thác bauxite ở Tây nguyên, Bộ trưởng Công thương cho rằng, đây là 2 dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa và tác động nhiều mặt, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường, xã hội... tác động tới sự phát triển của khu vực Tây nguyên và cả đất nước. “Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành, với UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông, TKV... nhằm rà soát, đánh giá kỹ việc triển khai thực hiện các dự án. Dự kiến việc tổng kết sẽ kết thúc vào cuối năm 2018, sau đó Bộ Công thương xin ý kiến cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư tiếp theo”, ông Trần Tuấn Anh thông tin.
|
Bình luận (0)