Tránh ngạt khí trong đám cháy như thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
25/05/2024 04:07 GMT+7

Trong trường hợp xảy ra đám cháy, việc sử dụng mặt nạ chống độc hoặc khăn giẻ thấm nước che mặt mũi giúp giảm nguy cơ hít phải khí độc.

Liên tiếp nhiều vụ cháy gây thương vong 

Theo thống kê của Cục cảnh sát phòng cháy chữa và cứu nạn cứu hộ trong tháng 4, toàn quốc xảy ra 372 vụ cháy, làm chết 3 người, làm bị thương 2 người. Mới đây ngày 24.5, một vụ cháy trên địa bàn TP.Hà Nội khiến 14 người tử vong.

Như Thanh Niên đưa tin, theo Công an TP.Hà Nội, vào lúc 0 giờ 45 ngày 24.5, cơ quan này nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội), đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ của nhiều đơn vị đến hiện trường dập lửa, cứu nạn.

Thủ tướng chỉ đạo rà soát điều kiện phòng cháy chữa cháy cơ sở kinh doanh, nhà trọ

Khoảng 0 giờ 50 cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn. Thời điểm này đám cháy đã bùng phát mạnh, thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy.

Các lực lượng đã tổ chức phá khóa cổng chính, phá ô cửa sổ tiếp cận vào bên trong ngôi nhà và cứu được 7 người mắc kẹt, trong đó có 3 người bị thương, đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Đến 1 giờ 25 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, sơ bộ các lực lượng phát hiện 14 người tử vong.

Trước đó vào tháng 9.2023, vụ cháy chung cư mini ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đã làm 56 người tử vong.

Tránh ngạt khí trong đám cháy như thế nào?- Ảnh 1.

Diễn tập PCCC, đưa thang vào cứu hộ người dân tại một chung cư cao tầng

LÊ CẦM

Cách tránh ngạt khí trong đám cháy

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết trong trường hợp không may xảy ra hỏa hoạn, người dân cần bình tĩnh để thoát hiểm đúng cách và hạn chế hít phải khí độc. Thông thường, trong các vụ cháy nạn nhân thường bị ngạt khí độc nhanh hơn trước khi bị ảnh hưởng bởi lửa từ đám cháy.

"Do đó bạn có thể dùng khăn, giẻ thấm nước ướt rồi che kín mặt, mũi để hạn chế hít phải khí độc. Nước sẽ lọc khí độc, ngăn hít khí độc. Cách đơn giản này có thể giúp kéo dài sự sống, hạn chế ngạt khí trong thời gian tìm lối thoát hiểm ra ngoài hoặc nhận sự trợ giúp của đội cứu hộ. Ngoài ra, nếu có sự chuẩn bị mặt nạ chống độc tại nơi ở thì càng hữu ích để giúp giảm hạn chế hít khí độc", bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Trong tình huống xác định cần phải băng qua đám lửa để thoát ra ngoài thì cần trùm chăn ướt hoặc vải ướt lên người để tránh bén lửa. Ngoài ra, nên lưu ý khói nhẹ hơn không khí nên sẽ bay lên trên, để giảm nguy cơ hít phải khí độc, khi di chuyển cần cúi khom lưng và men theo tường để di chuyển ra ngoài. Không nên trốn trong không gian kín như nhà vệ sinh, tủ quần áo bởi điều này sẽ làm tăng nguy cơ ngạt khí.

Nếu không may bị kẹt trong phòng, có thể đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào chờ cứu hộ. Bịt các kẽ hở xung quanh khung cửa bằng vải ướt. Dùng nước tưới xung quanh để lửa không bén vào phòng. Ngoài ra, có thể tận dụng mền, nệm tưới nước ướt để tạo thành cái mái để khói di chuyển lên trên, còn mình nấp bên dưới giúp hạn chế hít khói độc.

Tránh ngạt khí trong đám cháy như thế nào?- Ảnh 2.

Người dân đeo mặt nạ thoát ra khỏi đám cháy tại Hà Nội

N.B

Lưu ý khi sơ cứu người bị ngạt khói

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Từ Tuấn Anh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết nếu gặp người bị ngạt khói cần sơ cứu theo các bước:

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy đến nơi an toàn, rộng rãi và thoáng mát.

- Gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.

- Để nạn nhân ngồi xuống hoặc nằm nghiêng nếu tỉnh táo, sau đó nới lỏng quần áo và hỏi các triệu chứng họ đang gặp phải.

- Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở hãy thực hiện hô hấp nhân tạo và nới lỏng quần áo, trong khi chờ cấp cứu đến.

Khi sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói, bác sĩ Tuấn Anh lưu ý nếu nạn nhân có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng cần lấy ra để thông thoáng đường thở. Trường hợp nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng.

Tùy mức độ bỏng, thời gian dội nước có thể từ 10 - 20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy bớt bỏng rát. Tuyệt đối không được dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm lên người nạn nhân. Do cơ thể nạn nhân đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần 2, dẫn đến bỏng lạnh.

Xem nhanh 20h: Lời kể phút sinh tử vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.