Các thống kê y tế cho hay hiện có rất nhiều người mắc phải căn bệnh thận mãn tính. Nếu không biết cách hoặc không quan tâm giữ gìn, bệnh thận mãn sẽ nhanh chóng tiến đến suy thận, suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng sống, đe dọa tính mạng.
Điều trị bảo tồn giúp trì hoãn chạy thận nhân tạo - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Diễn biến âm thầm
TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết do diễn biến âm thầm, không biểu hiện rầm rộ nên nhiều người khi thấy mệt mỏi đi khám thì mới biết đã bị suy thận.
Theo chuyên gia, suy thận thường là giai đoạn kế tiếp sau thời gian mắc bệnh thận mãn tính. Bệnh thận mãn tính là tình trạng bất thường cấu trúc và chức năng thận; do tổn thương thận kéo dài (từ trên 3 tháng).
Ước khoảng 10% dân số mắc bệnh thận mãn tính, đó là các trường hợp như: sỏi thận; viêm cầu thận cấp không được điều trị; biến chứng của đái tháo đường (gây tổn thương thận); biến chứng của gout (do các tinh thể a xít u ríc lắng đọng trong tổ chức thận); bệnh thận đa nang; bệnh thận do bị lupus ban đỏ hệ thống (bệnh tự miễn).
Ngoài ra có những nguyên nhân khác gây suy thận, trong đó huyết áp cao là một trong những nguyên nhân nhưng chưa nhiều người quan tâm do chưa hiểu hết nguy hại của huyết áp cao với sức khỏe của thận. “Huyết áp cao và suy thận liên hệ với nhau khá mật thiết, hầu hết những người suy thận đều kèm theo cao huyết áp. Huyết áp cao lâu ngày gây xơ hóa các mạch máu ở thận dẫn đến tổn thương cầu thận, từ đó làm suy giảm chức năng thận”, TS-BS Nguyễn Hữu Dũng cho hay. Bác sĩ cũng chia sẻ, thông thường người mắc bệnh về thận có biểu hiện phù mặt nhưng nhiều trường hợp mắc bệnh thận mãn, suy thận mà không có biểu hiện phù cho đến khi thấy mệt mỏi đi khám mới được phát hiện.
Kiểm soát yếu tố nguy cơ
Tại VN, ước tính hằng năm có khoảng 8.000 trường hợp suy thận mới, trong đó đáng lưu ý suy thận do biến chứng của các bệnh chuyển hóa (đái tháo đường, gout) tăng cao trong các năm gần đây. Tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân suy thận do đái tháo đường hiện đã lên đến 20%, trong khi những năm trước đây tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 4 - 6%.
TS-BS Nguyễn Hữu Dũng cho biết suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4 nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5 - 10 năm, trì hoãn giai đoạn chạy thận. Nếu bệnh tiến triển đến độ 5 thì phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo.
Theo chuyên gia, các trường hợp suy thận nhưng đang trong giai đoạn điều trị bảo tồn, bệnh nhân cần lưu ý về chế độ ăn phù hợp (uống đủ nước và không ăn mặn). Đặc biệt, với các trường hợp này, cả bệnh nhân và bác sĩ đều rất thận trọng trong việc sử dụng, kê đơn thuốc y học cổ truyền cũng như tân dược để tránh các nhiễm độc, gây quá tải cho thận khiến thận suy nhanh hơn. “Nhiều trường hợp suy thận phải lọc máu cấp cứu do sử dụng thuốc không đúng chỉ định. Việc tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ giúp cho bệnh nhân giai đoạn điều trị bảo tồn có thể trì hoãn chạy thận nhân tạo 5 - 10 năm, thậm chí 20 năm”, TS-BS Nguyễn Hữu Dũng đặc biệt lưu ý.
Để biết được sức khỏe của thận cũng như kịp thời phát hiện bất thường về chức năng thận, nên định kỳ khám sức khỏe 6 tháng/lần, trong đó thực hiện các xét nghiệm nước tiểu (chỉ số protein và hồng cầu); xét nghiệm máu (chỉ số ure và creatinin). Đây là các xét nghiệm thường quy, có thể làm được từ tuyến y tế cơ sở với chi phí trung bình 150.000 đồng/lần. Theo khuyến cáo của bác sĩ, cần đặc biệt lưu ý khi có protein trong nước tiểu, đó là dấu hiệu cầu thận bị tổn thương, cần được khám, điều trị sớm bởi bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên tắc “vàng” cho thận khỏe mạnh
Hoạt động thể lực phù hợp; kiểm soát đường huyết; theo dõi huyết áp; chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng; uống lượng nước thích hợp; không hút thuốc lá; dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ. Những người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, gút, tăng huyết áp... cần được kiểm soát tốt, tránh để biến chứng sang suy thận.
|
Bình luận (0)