Tranh nhái tràn lan, trung tâm giám định 'vắng như chùa bà Đanh'

04/04/2023 07:25 GMT+7

Thành lập hơn 4 năm nhưng Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh chưa giám định được một tác phẩm nghệ thuật nào, trong khi tình trạng vi phạm bản quyền mỹ thuật, nhiếp ảnh ngày càng nhiều.

Có trung tâm giám định như không

Theo ông Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, 4 năm qua có nhiều người đến trung tâm hỏi về giám định nhưng chỉ như thăm dò, chưa đặt vấn đề cụ thể. Nhiều người mang tranh đến hỏi khi nhận được câu trả lời là tranh giả (nhìn bằng mắt thường) đã không quay lại, vẻ như không tin chuyên gia giám định. Thực tế đến ngày hôm nay trung tâm vẫn chưa nhận được bất cứ một đơn đặt hàng giám định nào. Ông Dương cho rằng mạng xã hội có nhiều hội nhóm sưu tập tranh, ảnh, người mua bán vào đó để chia sẻ thông tin, lấy ý kiến và đến trung tâm giám định hỏi chỉ là "cho có".

Tranh nhái tràn lan, trung tâm giám định 'vắng như chùa bà Đanh' - Ảnh 1.

Bức tranh giả tác phẩm Dư âm phố cổ của họa sĩ Phạm An Hải

NVCC

Cũng theo ông Dương, quy trình giám định một tác phẩm nghệ thuật không quá phức tạp. Với những trường hợp khó quá, trung tâm cũng sẽ thực hiện giám định bằng các kỹ thuật khoa học. Nhưng vì chưa có một khách hàng nào nên quá trình thẩm định một tác phẩm mất bao nhiêu thời gian thì ông cũng không thể biết rõ. Trung tâm không đặt nặng mục đích kinh doanh nên kinh phí thu chỉ với mục đích là đủ trả thù lao cho hội đồng thẩm định.

Đào Hải Phong, một họa sĩ nổi tiếng từng tham gia nhiều triển lãm tranh quốc tế, chia sẻ: "Giám định tranh rất cần, nhưng chia làm 2 loại. Một là của các họa sĩ quá cố, hai là của họa sĩ đương đại. Việc giám định tranh của họa sĩ quá cố là vô cùng khó vì nghệ thuật không giống như kim loại có thể dùng thuốc thử để phát hiện ra. Nghệ thuật lại được "nhìn" bằng cảm giác nên rất khó để phát hiện thật - giả. Nếu được mời vào hội đồng giám định tranh có khi tôi cũng chưa chắc đã dám nhận vì đó là một việc khó".

Ông Phong cho rằng người giám định tranh phải có đủ các tố chất chuyên môn. Ở phương Tây thì thường là những nhà sưu tập, người chơi tranh hoặc người có những bảo tàng tranh tư nhân sẽ thành lập một hội nhóm có kiến thức về tranh. "Cá nhân tôi nghĩ chắc gì những người giám định tại VN đã từng được xem những bức tranh của những họa sĩ bậc thầy, thiên tài. Người giám định tranh phải có kiến thức rất lớn, nhân cách, trách nhiệm", ông Phong nói.

Họa sĩ Đào Hải Phong cho biết thêm ở nước ngoài không đến mức phải chứng nhận tranh giả, tranh thật. Mua tranh ở gallery thì giám đốc gallery chứng nhận. Còn các họa sĩ chuyên nghiệp thường bán tranh thông qua các triển lãm. Các triển lãm đó thường in các cuốn sách về các bức tranh, chủ đề, chất liệu, người ta căn cứ vào đó để mua tranh. Nếu cần thì họa sĩ và phòng tranh ký hợp đồng mua bán để đảm bảo tác phẩm đó là "độc bản".

Tranh nhái tràn lan, trung tâm giám định 'vắng như chùa bà Đanh' - Ảnh 2.

Bức tranh có chữ ký đầy đủ họ tên của Phạm Hồng Minh ở góc dưới bên phải mà họa sĩ Lê Thế Anh tố cáo là nhái tranh của anh

Lê Thế Anh - chụp màn hình

Không gian sáng tác "không an toàn"

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho biết hiện tượng sao chép nghệ thuật đang là vấn nạn, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, gây "tổn thương" cho những người làm nghệ thuật. "Đây là câu chuyện không phải ngày một ngày hai, mà xảy ra đến 4 - 5 thập niên rồi", ông Đoàn nói.

Ông Lương Xuân Đoàn cũng chia sẻ: Không gian sáng tác của các nghệ sĩ đang "không an toàn", ví dụ một ý tưởng vừa được chia sẻ trên Facebook có thể bị ăn cắp tức thì và thành của người khác ngay lập tức. "Từ ý tưởng đó kẻ đạo ý tưởng hình thành tác phẩm ra thị trường còn nhanh hơn cả tác giả chính, vì thế cho nên chúng tôi vẫn cảnh báo hội viên của mình tự bảo trọng", ông Đoàn bày tỏ.

Nói về tranh chép và tranh giả, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết tranh chép bây giờ rất nhiều và có địa chỉ rõ ràng. Ngay cả các gallery ở phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) cũng có rất nhiều tranh chép và được cho phép kinh doanh.

Theo ông Đoàn, tranh chép phải chấp nhận một nguyên tắc là nhỏ hơn hoặc lớn hơn tác phẩm gốc và không được phép ký tên tác giả, tranh chép là tranh được vẽ theo nhu cầu của người muốn có một bức tranh treo trong nhà của một danh họa nước ngoài hay của một họa sĩ nổi tiếng trong nước. Tuy nhiên tranh chép cũng rất khó kiểm soát chất lượng nghệ thuật vì còn phụ thuộc vào tay nghề của người chép tranh.

Thành lập từ cuối năm 2018, Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Trung tâm này chuyên giám định, tổ chức các cuộc triển lãm trong và ngoài nước về mỹ thuật, nhiếp ảnh... phục vụ cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân.

Tranh chép được công khai giống như một nghề, còn tranh giả đã tồn tại từ lâu, được đưa từ nước ngoài về VN và ngược lại, nên mới có việc ra đời trung tâm giám định. Tuy nhiên hiện nay trung tâm giám định vẫn "vắng như chùa bà Đanh" vì nhiều nhà sưu tập không dám công khai để đến nhờ giám định. Tranh thật hay tranh giả vì thế như một câu chuyện "hậu cung" của thị trường tranh, chưa thể kiểm soát được. Với tranh thuộc Hội Mỹ thuật VN triển lãm thì việc giám định do hội đồng nghệ thuật của Hội chịu trách nhiệm.

Chia sẻ về nạn làm giả, họa sĩ Đào Hải Phong cho biết ông cũng là nạn nhân của tranh giả: "Nói thật là tôi bất lực. Cách đây 15 năm họ đã đạo tranh của tôi, tôi sang đến Hồng Kông còn thấy họ copy tranh của tôi, tranh của tôi bị làm giả nhiều lắm".

Bàn về hoạt động của trung tâm giám định, ông Lương Xuân Đoàn nói là "rất khó". Tất cả là do nghệ sĩ, nhà sưu tập nghệ thuật, nếu họ không tìm đến thì trung tâm sẽ vắng khách như bây giờ. Họa sĩ Đào Hải Phong thì cho rằng: "Trung tâm giám định chỉ nên tập trung giám định tranh ở triển lãm, tranh nào đủ và không đủ điều kiện triển lãm. Đó là giám định chất lượng nghệ thuật. Điều này giúp cho các triển lãm không phải là chuyện có tiền là thuê chỗ, dẫn đến loạn tranh, loạn họa sĩ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.