Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (1.6), phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện cùng thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang về những vấn đề liên quan đến thế hệ "búp trên cành".
Phụ huynh không nên chia sẻ thông tin về con cái
Theo quan sát của một người mẹ trẻ, cũng là một chuyên gia tâm lý, chị nhìn nhận trẻ em đã và đang phải đối diện với những rủi ro, mối nguy nào trên không gian mạng hiện nay?
Bên cạnh những cơ hội học tập và trải nghiệm với lượng kiến thức khổng lồ trên không gian mạng thì trẻ cũng sẽ có thể gặp những nguy cơ thiếu an toàn.
Có thể kể như dễ bị lộ thông tin cá nhân khiến kẻ xấu có thể lợi dụng thông tin của trẻ để thực hiện những hành vi gây hại đến trẻ hoặc những người khác như đe dọa, tống tiền hay những hành vi khác.
Ngoài ra, trẻ dễ dàng bị lôi kéo vào những trào lưu thiếu lành mạnh khác mà bản thân trẻ chưa đủ khả năng tự bảo vệ bản thân. Thậm chí, trẻ còn có thể bắt chước những hành vi, lời nói và chuẩn mực ứng xử nếu thường xuyên tiếp xúc với những hành vi đó.
Đang vào mùa tổng kết năm học. Thấy trên mạng xã hội có nhiều phụ huynh đăng tải những câu chuyện kèm hình ảnh khoe con. Liệu rằng hành động này có tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm đến con không?
Việc đăng ảnh con cái lên mạng hoặc khoe thành tích học tập của con là một hành động không hiếm gặp ở trên mạng. Hành động này xuất phát từ sự tự hào, hãnh diện và hạnh phúc của các bậc cha mẹ, nhưng nó cũng là cơ sở cho những kẻ xấu lợi dụng để cắt ghép hình ảnh, lợi dụng thông tin để thực hiện hành vi không tốt.
Điển hình, vừa qua là hàng loạt cuộc gọi tống tiền phụ huynh, học sinh đã diễn ra. Để có thể giảm thiểu rủi ro, phụ huynh không nên chia sẻ thông tin về con cái của mình, giả sử chỉ nên dùng tên gọi ở nhà thay vì khoe cả họ tên, trường lớp của con một cách công khai. Cha mẹ cũng không cần nói quá rõ về sở thích, đặc điểm, thói quen của con để tránh người khác biết quá rõ về bé.
Ngoài ra, khi đăng ảnh, tránh đăng những hình ảnh trẻ có những hành động nhạy cảm hoặc không nên đăng những hình ảnh, clip khi trẻ đang tắm, thay quần áo…
Bên cạnh đó, người lớn có thể tùy chỉnh chế độ đăng tin bài ở trạng thái chỉ những người thân thuộc được xem và không ai có thể chia sẻ hình ảnh của trẻ lung tung. Hãy hỏi ý kiến của trẻ trước khi đăng ảnh của trẻ, nếu trẻ cảm thấy không thoải mái thì cha mẹ cũng nên tôn trọng trẻ. Những phương cách đó có thể phần nào hạn chế rủi ro khi đăng ảnh trẻ lên mạng.
Có nhận định cho rằng TikTok, YouTube, Facebook cũng trở thành những "nguồn" có thể gieo rắc mối quy cho trẻ em. Chị có đồng tình với quan điểm đó?
Không chỉ riêng những kênh này mà bất cứ kênh truyền thông mạng xã hội nào cũng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn những rủi ro đối với trẻ. Thậm chí, cha mẹ không đăng ảnh con trên mạng xã hội thì trong sinh hoạt hằng ngày trẻ vẫn có nguy cơ gặp những rủi ro.
Tuy nhiên với sự phát triển và phổ biến của kênh TikTok, YouTube, Facebook như hiện nay thì đây có thể được xem là nguồn rủi ro lớn vì nhiều người dùng vẫn chưa thật sự đề cao cảnh giác trên không gian mạng. Đồng thời chưa có những kiểm soát chặt chẽ gắt gao từ phía cơ quan chức năng đối với các ứng dụng mạng xã hội này.
Dạy cho trẻ nhận diện những nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng
Vậy theo chị, "tấm lá chắn" quan trọng để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời gian tới đó là gì?
Trước hết cần dạy cho trẻ nhận diện được những nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Hướng dẫn trẻ những kỹ năng sử dụng mạng xã hội và những phương thức xử lý khi phát hiện bản thân không an toàn.
Ngoài ra, cha mẹ, người lớn phải là người kiểm soát, chọn lọc và định hướng cho con sử dụng các ứng dụng trên internet đúng mục đích và có chọn lọc. Bên cạnh đó, cần phổ biến luật an ninh mạng rộng rãi hơn đến tất cả các đối tượng, người dùng internet.
Chị hướng dẫn gì để trẻ em có thể trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng?
Tôi không khuyến khích trẻ nhỏ từ học sinh THCS trở xuống sử dụng internet một mình mà không có sự quan tâm của người lớn. Nhưng nếu trẻ cần được tham gia hoạt động trên không gian mạng thì cần lưu ý một số vấn đề.
Về nội dung, trẻ cần được định hướng nội dung phù hợp với lứa tuổi của mình. Trẻ và bố mẹ cò thể cùng nhau kiểm soát và chọn lựa những nội dung phù hợp với lứa tuổi, hứng thú của trẻ nhưng đủ đảm bảo an toàn theo đánh giá của người lớn.
Về thời lượng, không nên sử dụng mạng internet và các thiết bị điện tử quá lâu (quá 3 giờ/ngày) vì như thế vừa ảnh hưởng đến thị lực, trẻ vừa bị hạn chế những hoạt động thể chất và đồng thời khi sử dụng càng lâu trên mạng xã hội thì càng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn.
Về cách ứng xử trên không gian mạng, trẻ không nên giao lưu kết bạn và chia sẻ với những người không quen biết, chỉ nên kết bạn với bạn học, người thân, bố mẹ. Không tham gia những hội nhóm hoặc tham gia thực hiện những trào lưu thử thách lạ.
Khi phát hiện những điều bất thường, trẻ cần báo ngay với người ớn để được hỗ trợ và can thiệp tránh những hậu quả đáng tiếc.
Nên chăng các cơ quan chức năng cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Hiện nay, mặc dù Luật an ninh mạng đã có tuy nhiên vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến các đối tượng người dùng mạng internet vì thế trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc phổ biến, kiểm soát và xây dựng các bộ tiêu chí an toàn trên không gian mạng. Ngoài ra cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật an ninh mạng.
Bên cạnh những biện pháp vi mô từ phía người dùng thì những biện pháp ở tầm vĩ mô từ phía cơ quan chức năng và các ban ngành nếu được kết hợp chặt chẽ, đồng bộ sẽ tạo được một "tấm chắn" tốt hơn cho trẻ em trên không gian mạng.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Bình luận (0)