Lần đầu tiên cấp phép
14 họa sĩ không hẹn mà gặp, đã cùng sử dụng nhiều chất liệu khác nhau (sơn mài, sơn dầu...) với nhiều thể loại khác nhau (tranh, tượng...) để bày tỏ sự yêu thích và trân trọng nét đẹp của phụ nữ tại triển lãm Phượng ở Bảo tàng Mỹ thuật VN (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Việc cấp phép cho tranh nude lần này khiến nhiều họa sĩ vui mừng cho rằng tư duy về tranh nude đã được “mở cửa”. Nguyễn Thị Thủy - nữ họa sĩ duy nhất có tác phẩm trưng bày tại triển lãm Phượng, cho biết cô vẽ tranh nude vì rất yêu thích vẻ đẹp phụ nữ. “Họa sĩ luôn chắt lọc hình ảnh khi đưa lên tranh nên tranh nude luôn mang đến cái đẹp và không hề dung tục. Tôi mong rằng sẽ có nhiều triển lãm tranh nude được cấp phép hơn nữa, để các nghệ sĩ trẻ như chúng tôi có cơ hội giới thiệu tác phẩm với công chúng”, cô nói.
Họa sĩ Nguyễn Đình Hợp thừa nhận tranh nude thuộc thể loại khó tiếp nhận với công chúng nhất, trừ những nhà sưu tập nghệ thuật chuyên nghiệp. Và để trang trí nội thất đơn thuần trong nhà, phần lớn công chúng sẽ chọn treo loại khác. “Tranh nude có loại dễ treo và khó treo. Nếu tác phẩm vẽ theo thể loại trang trí thì sẽ dễ treo hơn. Còn việc xin giấy phép thì đương nhiên sẽ khó. Đây là lần đầu tiên triển lãm tranh nude được chính thức cấp phép”, họa sĩ Hợp hồ hởi.
Họa sĩ Hợp cho biết sở dĩ anh có được giấy phép triển lãm Phượng vừa rồi cho nhóm bởi đã mạnh dạn xin thẳng lên Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm. Anh cho rằng: “Tôi vẽ nude vì đó là sự thôi thúc trong mỗi nghệ sĩ. Được cấp phép coi như đã có sự công khai thừa nhận những tác phẩm nude. Báo chí, truyền hình cần mạnh dạn hơn khi đề cập đến nude và cần phân tích kỹ rạch ròi giữa một tác phẩm nghệ thuật và một ấn phẩm đồi trụy”.
|
Ảnh nude còn chờ
Trong khi các họa sĩ sáng tác tranh nude đang vui mừng thì các nhiếp ảnh gia không khỏi ngậm ngùi.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên - người từng say mê chụp ảnh nude, thừa nhận dù rất nỗ lực sáng tác, ảnh nude của anh vẫn không tài nào xin được giấy phép triển lãm.
Năm 2008, anh từng xin được giấy phép của Sở VH-TT-DL TP.Hà Nội. Các tác phẩm ảnh nude của anh được Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN thẩm định, cấp văn bản chứng nhận là không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, là thuần túy nghệ thuật. Nhưng sau đó, nghệ sĩ Thái Phiên không tài nào triển lãm nổi do các gallery tại Hà Nội, sau khi nhận nhiều cuộc gọi “căn dặn”, đều đồng loạt không cho anh mượn chỗ làm triển lãm ảnh nude, dù giá cả thuê gallery đã thỏa thuận xong.
“Cách chặn triển lãm rất tinh tế, đến mức người nghệ sĩ chỉ có cách tức tưởi mà chết”, nghệ sĩ Thái Phiên cay đắng nói. Trước đó, cuối năm 2007, anh từng xin giấy phép triển lãm ảnh nude tại Sở VH-TT-DL TP.Hà Nội, nhưng bị từ chối với lý do thời điểm đó sập cầu Cần Thơ (!?). “Dù họ biết ảnh nude là nghệ thuật nhưng không cấp phép cho ảnh nude, không dám đưa nó ra công chúng, vì vậy đã hạn chế rất nhiều các cuộc tiếp cận giữa ảnh nude với công chúng”, nhiếp ảnh gia Thái Phiên bức xúc nói.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, nhận định: “Không cấm triển lãm ảnh nude, nhưng anh em nghệ sĩ không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của hồ sơ theo Nghị định 72/2016. Ví dụ ảnh nude lộ rõ danh tính thì nghệ sĩ phải cung cấp được thỏa thuận giữa người mẫu, người chụp, cho phép được công bố đến đâu. Nhiều nghệ sĩ không làm được việc này nên không được cấp phép”.
Các nhiếp ảnh gia đều cho rằng triển lãm tranh nude ở Hà Nội vừa rồi là một bước tiến, với hy vọng sẽ có nhiều cuộc triển lãm tranh nude hơn nữa và chuyển dần việc cấp phép nude từ hội họa sang nhiếp ảnh.
Theo nhiếp ảnh gia Thái Phiên, cần thay đổi tư duy của những người quản lý văn hóa. Ông cho rằng các nhà quản lý văn hóa phải có trách nhiệm mở đường để đưa các tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng, chứ không thể ngưng dòng chảy được. “Bởi nếu ngưng chỗ này, nó cũng chảy ra chỗ khác. Nếu không vẽ đường cho hươu chạy thì nó chạy bừa chạy phứa, chạy tùm lum. Chính vì vậy mới xảy ra nhiều bức ảnh người mẫu này, hoa khôi nọ chụp ảnh khỏa thân “bảo vệ môi trường”, rồi “đẻ ra” những tác phẩm quái thai trong nghệ thuật”, nghệ sĩ Thái Phiên nhận định.
Ông Nguyễn Trọng Chức, Trưởng ngành lý luận - phê bình Hội Mỹ thuật TP.HCM, cũng than phiền về việc xét duyệt cấp phép tác phẩm nghệ thuật nude còn quá cứng nhắc, cảm tính. “Không có một tiêu chí gì trong việc thẩm định tranh, ảnh nude. Căn cứ ở đâu để cho là dung tục. Tác giả lớn như Lưu Công Nhân mà còn không cho treo”, ông Chức nói. Thậm chí, từng có 2 bức tranh nude của danh họa Lưu Công Nhân cũng không được cấp phép trong triển lãm trước khi ông mất (năm 2007). Hoặc có một số tranh nude của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cũng không được cấp phép mặc dù chỉ vẽ lưng cô gái đang tắm giếng.
Nhiều họa sĩ bày tỏ mong muốn cần xây dựng hội đồng cấp phép có chuyên môn thẩm định, am hiểu lĩnh vực mỹ thuật - nhiếp ảnh.
Bình luận (0)