Ngày 17.12, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM nói như trên tại buổi khai mạc lớp bồi dưỡng người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Chương trình diễn ra trong 2 ngày (17 - 18.12).
Theo đó, ông Nguyễn Văn Khanh cho biết thực hiện Chỉ thị số 22 - CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, phần lớn cơ quan, đơn vị tại TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. Cụ thể là họp báo kinh tế - xã hội định kỳ hằng tuần.
Về mục đích, ông Khanh nhận định: "Lớp bồi dưỡng là nơi các chuyên gia truyền đạt kiến thức cơ bản về quy định pháp luật và phát ngôn cho báo chí, trang bị kỹ năng giao tiếp, trả lời phỏng vấn, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông. Qua đó, cán bộ, lãnh đạo thành phố nâng cao kỹ năng, giao tiếp hiệu quả với báo chí".
Sau khai mạc, ông Phạm Đức Hải, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM trình bày chuyên đề xử lý khủng hoảng truyền thông. Theo ông Hải, khủng hoảng truyền thông là một phần tất yếu, vì có truyền thông là có khủng hoảng.
"Do đó, xử lý khủng hoảng truyền thông là trách nhiệm hằng ngày, trong nguy có cơ. Bài học quan trọng nhất là có những vụ, sự việc đột xuất phải phản hồi ngay, nhưng có những lúc phải thu thập đầy đủ thông tin trước khi phát ngôn", ông Hải nói.
Theo đó, một số nguyên tắc cơ bản xử lý khủng hoảng gồm lập đội nhóm để xử lý, thu thập thông tin, phân tích khủng hoảng, lập chiến lược ứng phó. Cần tránh trả lời quanh co, chối và đùn đẩy trách nhiệm, nóng giận và phát ngôn thiếu kiềm chế, không nhất quán.
Về quyền từ chối phát ngôn cho báo chí, ông Đức Hải chia sẻ: "Người phát ngôn, được ủy quyền phát ngôn có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước; thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử; thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận, những văn bản chính sách đề án trong quá trình soạn thảo theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố".
Bình luận (0)