Ngày 10.9, trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo UBND P.Hạ Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết một bé trai trên địa bàn vừa bị điện giật tử vong do dùng que ngoáy tai bằng kim loại chọc vào ổ điện khi đang học trực tuyến. Cụ thể sáng cùng ngày, bố bé trai H.H.D (10 tuổi, trú ngõ 475 Nguyễn Trãi, P.Hạ Đình; học sinh Trường tiểu học Thái Thịnh, Q.Đống Đa, Hà Nội) sau khi kết nối cho con học trực tuyến thì có việc nên đi ra ngoài. Bé trai ở nhà dùng vật kim loại chọc vào ổ điện và bị điện giật tử vong.
“Khi người bố trở về thì cậu bé đã tử vong, Công an Q.Thanh Xuân đang điều tra, làm rõ sự việc”, lãnh đạo UBND P.Hạ Đình nói và cảnh báo, trong thời gian giãn cách xã hội, các phụ huynh cần trông nom con cái trong quá trình học trực tuyến bằng thiết bị điện tử, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thông tin ban đầu từ Công an Q.Thanh Xuân cho biết bé D. dùng que ngoáy tai bằng kim loại chọc vào ổ điện dẫn đến bị điện giật tử vong. Đội Điều tra tổng hợp Công an Q.Thanh Xuân đang tiếp tục điều tra sự việc.
Cần sự quan tâm hỗ trợ của người lớn
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định dù sự việc đau lòng xảy ra không liên quan đến những thiết bị mà bé trai sử dụng để học trực tuyến, tuy nhiên những tai nạn thương tích xảy ra trong hay ngoài nhà trường với học sinh (HS) đều hết sức đáng tiếc và một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ.
Ông Tiến cho biết trong chương trình giáo dục từ mầm non đến phổ thông cũng có những nội dung kiến thức lồng ghép dạy cho HS các kỹ năng tự phòng ngừa tai nạn như: dạy trẻ nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, gây cháy nổ, đồng thời nghiêm cấm không được sờ vào những vật dụng đã cảnh báo…
Cũng theo ông Tiến, trong bối cảnh HS phải học trực tuyến ở nhà và tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị điện thì vai trò của mỗi gia đình trong bảo đảm an toàn cho con em mình là đặc biệt quan trọng. Các bậc cha mẹ cần lưu ý nguồn điện, ổ điện đảm bảo an toàn khi cắm máy tính cho con học trực tuyến; cần hướng dẫn và dần hình thành cho con các kỹ năng sử dụng thiết bị trong gia đình một cách an toàn. Trong trường hợp không có máy tính, HS phải học bằng điện thoại thì phải đảm bảo thiết bị ấy được sạc pin đầy đủ trước giờ học, không vừa sử dụng vừa sạc pin dẫn đến cháy nổ, đe dọa đến tính mạng của người học.
Với trẻ nhỏ ở cấp tiểu học, rất cần có sự quan tâm, giám sát, hỗ trợ của người lớn trong việc sử dụng các thiết bị học trực tuyến để đảm bảo giờ học hiệu quả, an toàn.
Dạy học qua truyền hình để giảm nguy cơ tai nạn
Thông tin với Thanh Niên chiều 10.9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay tai nạn thương tích đối với trẻ em trong môi trường gia đình chiếm hơn 50% các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn thương tích thường xảy ra trong gia đình như: cháy nổ, điện giật, ngộ độc hóa chất, ngộ độc thực phẩm, rơi ngã, đuối nước, các đồ vật sắc nhọn…
Trong bối cảnh giãn cách và cách ly, việc các em nhỏ phải học trực tuyến nhiều giờ, ngồi lâu trước máy tính không chỉ ảnh hưởng đến mắt, cột sống, cơ xương, mà còn nguy cơ tiếp xúc với những thông tin xấu độc, lừa đảo trên mạng xã hội. Đặc biệt, một nguy cơ nữa là tai nạn thương tích.
Theo ông Nam, việc các em nhỏ học trực tuyến nhiều giờ khiến cho điện thoại, máy tính sạc pin liên tục, dễ dẫn đến nóng, chập điện, cháy nổ. Vụ việc kể trên là hồi chuông cảnh báo, nếu không có các biện pháp an toàn chắc chắn sẽ còn nhiều vụ tương tự nữa xảy ra.
Ông Nam cho hay: “Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT tăng cường kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho HS vào chương trình giảng dạy trực tuyến. Ngoài truyền đạt kiến thức, giáo viên sẽ là các nhà tâm lý, kiểm tra, nhắc nhở các con về an toàn trong mỗi tiết học. Các bậc phụ huynh cũng cần kiểm tra các thiết bị trong gia đình, hướng dẫn con em sử dụng an toàn”.
Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng Bộ GD-ĐT và nhà trường cần phải cấu trúc lại giờ học hợp lý, giảm tải, rút ngắn thời gian học. “Đối với các HS tiểu học, cần tăng cường giảng dạy qua truyền hình. Hình thức này dù không tương tác với giáo viên nhưng sẽ giảm nguy cơ xảy ra với các con, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ. Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT, Bộ KH-CN đưa ra các kiến thức chuyên môn nhằm hạn chế rủi ro về mặt thiết bị”, ông Nam nói.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong gia đình, ông Nam cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã biên soạn bộ tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”, trong đó có hướng dẫn cha mẹ rà soát lại ngôi nhà an toàn; đồng thời đưa ra các cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn thương tích thường xảy ra trong gia đình.
“Cha mẹ phải là người nhắc nhở, để con em hình thành kỹ năng sống an toàn từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn, trẻ ở nhà cần lưu ý phích nước, nồi chứa thức ăn nóng; hệ thống điện; dao, kéo; các loại hạt, đồ chơi nhỏ có thể nuốt; xô, thùng, bể, giếng nước; các loại hóa chất gia dụng; thuốc uống... Cách bố trí sắp xếp trong nhà không gọn gàng cũng có thể là nguyên nhân gây thương tích cho trẻ”, ông Nam chia sẻ.
Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản nhắc nhở các cơ sở giáo dục
Về phía Bộ GD-ĐT, theo thông tin của phóng viên, dự kiến cũng sẽ có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục ở địa phương tăng cường nhắc nhở, rà soát các điều kiện để đảm bảo an toàn cho HS dù ở đâu và học dưới bất cứ hình thức nào: trực tuyến hay trực tiếp.
|
Bình luận (0)