>> Gần 800 tỉ đồng đổi mới sách giáo khoa
>> Đổi mới sách giáo khoa: Không thể làm theo kiểu rề rà
>> Cần hơn 34 nghìn tỉ đồng để đổi mới giáo dục phổ thông
|
Báo cáo thẩm tra do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì thực hiện nêu rõ: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới, cần thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để tránh rủi ro. Những đổi mới trong khuôn khổ một lớp có thể thực nghiệm đồng thời theo lớp, nhưng những đổi mới có tính chất xuyên cấp học thì phải thực nghiệm theo hình thức cuốn chiếu lần lượt, từ lớp dưới lên lớp trên.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần tổ chức đánh giá tình trạng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới cụ thể cho từng cơ sở giáo dục; đồng thời, nhà nước quy định những điều kiện tối thiểu để thực hiện nội dung, yêu cầu bắt buộc của chương trình giáo dục mới và ưu tiên tập trung sớm tăng cường năng lực đối với những cơ sở giáo dục gặp khó khăn.
Theo ủy ban này, việc triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học, có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.
Hồ sơ trình Dự thảo Nghị quyết được đánh giá đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định. Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết cả về nội dung, hình thức theo yêu cầu; hoàn chỉnh Đề án, đặc biệt luận giải khoa học hơn những vấn đề đổi mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này, để Quốc hội có đủ căn cứ xem xét ban hành Nghị quyết.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)