Trong giai đoạn nước rút nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ như hiện nay, lựa chọn ngành học phù hợp là một trong những quyết định quan trọng.
Thực tế ở các trường ĐH, CĐ cho thấy có rất nhiều sinh viên chọn ngành học không phù hợp nên đã không đi đến cùng việc học cũng như gặp nhiều trở ngại khi tìm việc.
|
Thi ĐH nhiều lần
“Còn chưa tới 2 tuần hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nhưng nhiều học sinh vẫn chưa biết chọn ngành nào để thi. Thậm chí, có những học sinh phân vân giữa 2 ngành hoàn toàn khác nhau. Điều này cho thấy rõ ràng học sinh chưa định hướng được nghề nghiệp của mình - một việc đáng ra phải làm từ bậc THCS”, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận định.
Xuất phát từ việc không định hướng nghề nghiệp rõ ràng, không ít sinh viên đang học tại các trường ĐH, CĐ nhưng vẫn muốn thi lại ĐH. Trong các câu hỏi gửi đến hộp thư tuyển sinh của Báo Thanh Niên, phần lớn thắc mắc tập trung vào nội dung hướng dẫn cách làm hồ sơ thi lại ĐH khi đang là sinh viên một trường ĐH, CĐ khác. Đơn cử trường hợp Đỗ Thị Bích H., sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Em đang là sinh viên ngành thú y nhưng sau một năm học em thấy ngành này không phù hợp với em. Vì vậy, em muốn làm đơn xin phép hiệu trưởng trường ĐH em đang học để được thi ĐH lại trong năm nay”.
Cũng không ít người sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ mới nhận ra bản thân không phù hợp với ngành được đào tạo và bắt đầu học lại. Ví dụ trường hợp Vũ Văn C., từng tốt nghiệp Trường CĐ Công thương TP.HCM ngành công nghệ dệt sợi. Không thích môi trường nóng bụi, tiếng ồn của máy móc trong phân xưởng nhà máy dệt sợi, C. ngậm ngùi nộp hồ sơ thi vào hệ vừa làm vừa học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngành kế toán. Như vậy, nếu có định hướng đúng về sở thích và khả năng ngay từ ban đầu, C. đã không bỏ lỡ 3 năm đèn sách với rất nhiều lãng phí về thời gian và tiền bạc.
PGS-TS Nguyễn Thuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng trong số nhiều sinh viên sau khi học năm thứ nhất bỏ học có nguyên nhân chưa chọn đúng ngành học yêu thích. Chọn lựa sai lầm này có thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan là rớt nguyện vọng vào ngành đăng ký dự thi nên phải theo học một ngành có thể trúng tuyển. Cũng có thể là nguyên nhân chủ quan do chưa định hướng đúng về sở thích và khả năng với ngành chọn học”.
Phân biệt giữa sở thích và khả năng
Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, nhắn nhủ: “Vào ĐH là điều mong muốn nhất, nhưng nếu vào ĐH với ngành không phù hợp thì chọn học ngành đó ở bậc thấp hơn vẫn tốt hơn. Quan trọng là tìm đúng ngành học, bậc học phù hợp với khả năng, học xong có thể làm việc tự nuôi sống bản thân rồi học thêm sau này. Học tập là một hành trình suốt cuộc đời, không chỉ giới hạn mấy năm ĐH, CĐ”.
Với những học sinh bậc phổ thông, tiến sĩ Trần Đình Lý đưa ra lời khuyên: “Các em cần phân biệt giữa sở thích và khả năng khi chọn ngành. Chẳng hạn, em có thể rất thích công việc kế toán, học rất giỏi toán và có khả năng thi đỗ ngành này. Nhưng nếu tính cách em cẩu thả, không cẩn thận thì việc theo đuổi ngành này là không phù hợp. Khi đó, học có thể vẫn tốt nhưng sẽ gặp không ít khó khăn trong công việc sau này”. Tiến sĩ Lý đề xuất: “Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần được triển khai từ bậc THCS chứ không phải đợi đến lúc gần thi ĐH. Kiến thức này cần phải đưa vào chương trình chính khóa kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành chứ không chỉ là chương trình ngoại khóa như hiện nay”. Mặt khác, tiến sĩ Lý cũng cho rằng: “Không chỉ trường học, bản thân học sinh cũng có thể chủ động hoàn toàn trong việc hướng nghiệp. Để biết bản thân hợp với ngành gì, học sinh cần trải qua các bước trắc nghiệm một cách trung thực nhất”.
Hướng nghiệp ở trường THPT chưa đủ Trong cuộc đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM vào tháng 3 vừa qua, nhiều học sinh cũng than phiền về công tác hướng nghiệp. Nguyễn Thị Hồng Vân, Trường THPT Nguyễn Văn Sáng, chia sẻ: “Trường em hầu như chưa có chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nếu có chỉ 2 đến 3 buổi học trong hè nên chưa đủ để chúng em nắm bắt vấn đề. Chúng em cần các thông tin chi tiết về ngành nghề để biết thực sự có yêu thích ngành nghề đó không, có khả năng để học và đeo đuổi công việc đó suốt đời không. Cũng nên có cách định hướng nghề nghiệp cho cả phụ huynh bởi nhiều phụ huynh chỉ muốn con cái theo đuổi ngành học mà họ thích chứ không quan tâm con cái có thích và làm được hay không”. Lê Ngọc Khanh, Trường THPT Phú Hòa, đề xuất: “Em nghĩ trường học cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 10 chứ không phải đợi đến năm lớp 12”. |
Hà Ánh
>> Chọn ngành học như chọn bạn đời
>> Giúp học sinh chọn ngành phù hợp
>> Chọn ngành vừa sức
>> Chọn ngành thi đại học, cao đẳng: Chuộng kinh tế, lơ là kỹ thuật
>> Trắc nghiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp
Bình luận (0)