Tranh tài đu tiên 7 thế kỷ ‘có một không hai’

06/02/2019 17:30 GMT+7

Ngày 6.2 (mồng 2 Tết), nam thanh, nữ tú của làng Điền Hòa, H.Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) lại tranh tài đu tiên trong tà áo dài truyền thống.

Đây là trò chơi phổ biến trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, thu hút nhiều người đến tham gia tranh tài, cổ vũ.

Đu tiên được du nhập vào xứ Thuận Hóa (Huế ngày nay) rất lâu, từ thế kỷ 14. Làng Điền Hòa là một trong những nơi đã diễn ra đu tiên sớm nhất. Đu tiên là một trò chơi phổ biến trong những ngày Tết, được tổ chức từ ngày 26 tháng Chạp và kéo dài cho đến mồng 7 tháng Giêng (âm lịch), với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau.

Nam thanh, nữ tú của làng Điền Hòa, H.Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) tranh tài đu tiên trong tà áo dài truyền thống ẢNH: AN NHƯ

Cây đu được làm từ cây tre già, cao và được dân làng chọn lựa từ trước Tết. Người chơi lên giá đu được trang bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Mở đầu hội đu, một bô lão uy tín của làng mang áo dài khăn đóng thực hiện các nghi lễ truyền thống. Tiếp đến là phần tranh tài quyết liệt và đẹp mắt của nam thanh, nữ tú trong tiếng hò reo của người dân địa phương và du khách gần xa.

Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng ẢNH: AN NHƯ

Phổ biến nhất vẫn là hình thức đu đôi, vẫn được gọi là đu tiên, với từng cặp thanh niên cùng lên đu so tài. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng, như trong câu ca:

Nhún mình như thể nhún đu

Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm

Ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết: “Hằng năm ở địa phương rèn luyện những vận động viên trẻ, khỏe để duy trì chò chơi truyền thống tốt đẹp của quê hương”.

Trong tiếng hò reo của những cổ động viên, hội đu tiên khép lại với hy vọng năm mới thật dẻo dai và bền bỉ như những người đu tiên ẢNH: AN NHƯ

Theo ông Đặng Văn Quang, Ban giám khảo chấm điểm trên tiêu chí: đu cao nhất rồi mới đến đẹp nhất sẽ được giải.

Những điệu đu tiên cũng có một cách giải thích “thăng hoa” hơn. Đó là khi cây đu đưa người chơi lên cao, xa mặt đất và đi vào bầu trời sẽ tạo cảm giác như đang đến gần… cõi tiên, cõi thượng giới. Trong tiếng hò reo của những cổ động viên, hội đu tiên khép lại với hy vọng năm mới thật dẻo dai và bền bỉ như những người đu tiên.

Hội đu tiên được mọi người ở Điền Hòa bảo tồn, gìn giữ trong suốt hàng trăm năm qua. Đây là trò chơi dân gian mỗi khi Tết đến xuân về “có một không hai” ở miền Trung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.