Lần đầu tiên, 2 bên nhất trí thiết lập khuôn khổ đối thoại giữa lực lượng hải quân với nhau. Cũng lần đầu tiên đại diện giới công nghiệp quân sự 2 nước gặp nhau và thỏa thuận kế hoạch hợp tác. Trung Quốc còn ngỏ ý giúp Indonesia đào tạo và huấn luyện phi công. Đó chắc chắn chưa phải là tất cả những gì 2 bên đã thỏa thuận và còn dự định.
Mức độ phát triển mới trong hợp tác nói trên càng đáng được chú ý khi Trung Quốc không chỉ tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự mà còn công khai sử dụng tiềm lực quân sự làm công cụ gây áp lực trong quan hệ với một số đối tác khác. Còn phải kể tới bối cảnh tình hình chính trị an ninh trên biển Đông diễn biến căng thẳng và phức tạp do những hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Có thể thấy Trung Quốc và Indonesia đều rất tranh thủ nhau. Indonesia đã có quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng với nhiều đối tác khác, trong đó có cả những bên khiến Trung Quốc nghi ngại, nên nhu cầu thúc đẩy hợp tác quân sự và an ninh với chính Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.
Mặt khác, sự hợp tác nói trên có thể gây nghi ngờ trong ASEAN nhưng đồng thời lại tạo ấn tượng rằng Indonesia có ảnh hưởng nhất định tới Trung Quốc. Trung Quốc lại cần sự hợp tác này để phân rẽ Indonesia với các đối tác khác, phân hóa nội bộ ASEAN và kiểm soát vai trò trung gian của Indonesia trong khối.
La Phù
Bình luận (0)