Hàng loạt cầu, đường tại TP.HCM đẩy nhanh tốc độ

21/03/2020 07:25 GMT+7

Dịch Covid -19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp, mật độ phương tiện lưu thông tại TP.HCM giảm đáng kể. Đây được coi là cơ hội tốt để TP đẩy nhanh thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông.

Vi rút “thổi bay” ùn tắc

Đã 2 tháng kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, đường sá TP.HCM vẫn chưa trở lại hình ảnh đông đúc, nhộn nhịp thường khi. Đặc biệt, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm gia tăng, cộng với cái nắng chói chang giữa tháng 3 khiến đường phố càng trở nên vắng vẻ, người dân hạn chế tối đa ra đường.
Nội thành thông thoáng, các cửa ngõ, điểm đen giao thông của TP trong suốt nhiều năm qua cũng thoát khỏi cảnh xe nối đuôi nhau chen chúc. Uớc tính các hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đã giảm tới 50% do dịch bệnh. Trở lại một số tuyến đường vốn khốn khổ vì rào chắn, lô cốt “ngự” suốt thời gian qua, chúng tôi ghi nhận cảnh ùn tắc đã không còn.
Đúng là bao nhiêu năm, báo chí thông tin, chính quyền làm đủ cách nhưng ùn vẫn hoàn tắc. Giờ con vi rút thổi bay cả ùn tắc. Nên nhân lúc này làm nhanh cho dân được nhờ
Cô Thanh Hoa (53 tuổi, ngụ P.18, Q.4)
Đường Bến Vân Đồn (Q.4) dọc bờ kênh Tàu Hũ ngoài 3 lô cốt cũ, gần 1 tuần nay xuất hiện thêm 2 đoạn rào chắn ngay đoạn dưới gầm cầu Calmette, cũng thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2”, đơn vị thi công là liên doanh Yasuda - Kolon. Đoạn rào chắn chiếm tới quá nửa diện tích đường, ôm trọn 2/3 làn đường phía trong. Thế nhưng xe cộ hằng ngày lưu thông vẫn rất thông thoáng, không khó khăn, chật vật như trước.
Tương tự, dọc “con đường lô cốt” Tôn Thất Thuyết (Q.4), nhiều rào chắn đã rút đi, để lại mặt đường gập ghềnh, nhếch nhác chắp vá. Tại 2 khu vực lô cốt vẫn đang thi công, phần dành cho phương tiện lưu thông chỉ còn lại khoảng 1/3 mặt đường.
Mọi khi xe cộ phải xếp hàng nhường nhau, liên tục ùn tắc vì đường này có nhiều xe chở vật liệu xây dựng thường xuyên chạy qua. Thế nhưng “con đường lô cốt” những ngày này khá yên tĩnh. Cô Thanh Hoa (53 tuổi, ngụ P.18) cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên toàn tuyến đường đã rút đi 2 lô cốt nên đỡ ùn tắc hơn nhiều. Vài ngày qua, người dân hạn chế ra đường nên ngay cả những nơi vẫn còn thi công cũng không xảy ra kẹt xe.
Thi thoảng có 1 - 2 chiếc xe buýt hay xe tải đi qua thì mọi người cũng chỉ nép vào lề chờ một chút là lại lưu thông bình thường. “Đúng là bao nhiêu năm, báo chí thông tin, chính quyền làm đủ cách nhưng ùn vẫn hoàn tắc. Giờ con vi rút thổi bay cả ùn tắc. Thời điểm này có rào chắn xây dựng từ đầu đường đến cuối đường chắc cũng không ảnh hưởng gì nhiều đâu. Nên nhân lúc này làm nhanh cho dân được nhờ”, cô Hoa nói.
Đường Tôn Đức Thắng đoạn bến Bạch Đằng nối dài tới đoạn giao Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1), dù vào giờ cao điểm nhưng xe cộ lưu thông thông suốt. Công trình xây dựng chân cầu Thủ Thiêm 2 (đoạn Ba Son) án ngữ gần hết mặt đường cũng không gây ùn ứ vì lượng phương tiện giao thông giảm tới hơn một nửa so với thường ngày. Đoạn rào chắn nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều trên mặt đường rộng thênh thang lác đác xe cộ.

Tranh thủ khởi công nhiều dự án

Từ đầu năm đến nay, dù toàn TP tập trung mọi hoạt động nhằm phòng, chống dịch Covid-19 nhưng Sở GTVT TP vẫn liên tục đưa thông báo phân luồng giao thông phục vụ thi công nhiều công trình hạ tầng. Mới đây, Sở GTVT vừa có văn bản thông qua phương án phân luồng giao thông phục vụ thi công dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy, Q.2).
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban quản lý dự án), đường Đồng Văn Cống đoạn 2,8 km sẽ được mở rộng mặt đường thêm 7 m, tăng thêm 2 làn xe lưu thông. Khi hoàn thành đường Đồng Văn Cống sẽ cho 10 làn ô tô và 2 làn xe máy lưu thông. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 9 tháng thi công.
Cùng với đó, đơn vị này chuẩn bị thi công xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 trên đường Đồng Văn Cống. Theo thiết kế, cầu dài 124 m, rộng 6 làn xe. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 có tổng bề rộng 60 m cho 10 làn ô tô và 2 làn xe máy lưu thông, thay vì mỗi cầu chỉ cho 2 làn ô tô và 1 làn xe máy di chuyển như hiện nay. Công trình có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Đây là 2 công trình trọng điểm được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giúp xóa giảm “điểm đen” kẹt xe và tai nạn giao thông khu vực Cát Lái.
Trước đó, Sở GTVT TP cũng đã thống nhất phương án tổ chức giao thông phục vụ thi công công trình xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh), H.Nhà Bè. Tổng mức đầu tư dự án là 295,2 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong quý 1 và hoàn thành trong năm 2021.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án cũng đang chuẩn bị khởi công dự án xây dựng hầm chui và vòng xoay tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ nhằm giải tỏa ách tắc khu vực khu Nam TP, ngay trong quý 1 này.

Góp phần kích hoạt nền kinh tế

Việc nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai ngay từ đầu năm không chỉ tạo hứng khởi cho người dân, kỳ vọng TP sẽ sớm thoát cảnh “kẹt xe kinh niên” mà còn nhận được sự ủng hộ cao vì đây là giai đoạn đường phố vắng vẻ, việc thi công sẽ ảnh hưởng ít nhất tới đời sống của người dân.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng dịch Covid-19 kéo theo nhiều thiệt hại, khó khăn nhưng cũng tiềm ẩn cơ hội mà TP.HCM cần tranh thủ tận dụng. Theo ông, đường phố TP.HCM luôn trong tình trạng nhếch nhác, ùn tắc một phần do có quá nhiều lô cốt, rào chắn thi công sửa chữa trên đường.
Các dự án đường vành đai, đường hướng tâm nếu thi công trong điều kiện phương tiện đông, kẹt xe sẽ càng khó khăn. Do đó, đây là thời điểm hiệu quả để tăng tốc, đẩy nhanh các dự án sửa chữa, xây dựng hạ tầng giao thông và các dự án môi trường như nạo vét kênh rạch.
“Các dự án giao thông triển khai trong giai đoạn này không chỉ thuận lợi trong quá trình thi công mà còn góp phần kích hoạt nền kinh tế. Mỗi dự án được triển khai sẽ kéo theo loạt hoạt động vận chuyển, nhân công, kích thích tiêu dùng, thị trường trong hoàn cảnh tất cả đang dần đóng băng vì dịch bệnh”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Tận dụng khoảng thời gian mọi người ở nhà tránh dịch để tăng tốc các dự án cầu, đường là phương án tốt.
Với các công trình đang triển khai, chúng tôi vẫn giữ năng suất thi công 24/7, gấp rút triển khai nhanh chóng.
Điểm lợi nhất là dự án thi công mùa dịch sẽ ít ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân, không gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, có nhiều dự án không thể muốn triển khai là có thể làm ngay được, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thủ tục, vốn, khâu giải phóng mặt bằng.
Dự án triển khai sớm, nhanh ai cũng muốn; nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là giải phóng mặt bằng. Chưa có mặt bằng sạch thì dù không có ai ngoài đường cũng không tranh thủ xây dựng được.
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.