Bởi qua tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiều vấn đề về trọng dụng người tài cần phải được làm rõ cũng như bổ sung các cơ chế để thực sự có hiệu quả.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên việc trọng dụng người tài được UBND TP.Đà Nẵng thẳng thắn đặt ra ngay từ tên gọi của đề án. Trước đó, Đà Nẵng từng có những cơ chế hút người tài (còn gọi là Đề án 922), nhưng tên gọi chỉ dừng lại ở “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đề án này đã kết thúc sau khoảng 15 năm thực hiện sứ mệnh đào tạo người tài, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, để lại bài học kinh nghiệm nếu TP.Đà Nẵng tiếp tục cơ chế trọng dụng người tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Tôi còn nhớ, ngày 2.6.2018, lần đầu tiên TP.Đà Nẵng tổ chức đối thoại với hàng trăm học viên thuộc Đề án 922. Lúc đó, theo thống kê, ngoài 16 học viên giữ chức vụ phó giám đốc cấp sở hoặc tương đương trở lên thì có đến 93/616 học viên xin… rút khỏi đề án. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thời điểm đó là ông Huỳnh Đức Thơ đã nhìn nhận, có nhiều người tài chưa nhận được sự hỗ trợ của cấp trên, có những nơi bố trí công tác không phù hợp, có tình trạng thi cử không công bằng... Ông Thơ cho rằng nhân tài là người trẻ từ kiến thức đến tâm hồn. Do đó, một động thái có sự bất công, thiên vị, không minh bạch thì lập tức môi trường làm việc sẽ bị vẩn đục. Người tài nhiều khi không cần tiền nhiều, không cần vị trí cao, nhưng cần minh bạch.
Tôi tâm đắc với ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, rằng người tài rất cần được tạo điều kiện cho lao động sáng tạo, cho tư duy đổi mới. Họ cần không gian công vụ mà cấp trên thì biết lắng nghe, thực sự cầu thị và trọng thị; đồng cấp thì hợp tác, cùng nhau hướng về đại cuộc. Đó mới chính là chính sách đãi ngộ hấp dẫn nhất, đắt giá nhất để chìa tay đón được người tài và giữ chân được người tài. 15% người tài rút khỏi Đề án 922 là con số rất đáng suy ngẫm. Để tránh “vết xe đổ” đó, cơ chế thu hút người tài phải thật sự trọng tài.
Bình luận (0)