Tranh Việt Nam đấu giá ở nước ngoài liên tục dính 'nghi án' hàng giả

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/10/2021 06:31 GMT+7

Những bức tranh Việt Nam, nhất là thời kỳ mỹ thuật Đông Dương luôn gây tiếng vang về giá trị, nhưng bên cạnh đó cũng là nỗi lo trước một thị trường “thật thật giả giả”…

Dồn dập tranh giả

Ngày 25.9, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã đưa lên Facebook cá nhân những hình ảnh về nhiều bức tranh ông cho là giả. Đó là những bức tranh được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, dự kiến được nhà đấu giá Drouot đưa ra đấu vào ngày 16.10. Ông Tiếp chia sẻ, một người bạn Pháp đã nhắn ông rằng những bức tranh này thật thô tục và kinh khủng, không có đạo đức và thật tệ cho nghệ thuật Việt Nam. Ông Tiếp không giấu nổi bất bình: “Không biết nói gì hơn với nhà đấu giá và bọn làm hàng giả”.

Vụ việc trên tạm khép lại bằng thông báo của họa sĩ Lê Huy Tiếp vào ngày 30.9. Trong đó, ông cho biết sau khi bạn ông liên hệ với nhà đấu giá về những bức xúc do tranh giả gây ra, nhà đấu giá đã đồng ý hạ 3 bức tranh giả được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhưng vẫn để những bức khác, trong đó có tranh Lê Phổ. “Họ nói rằng ngay cả những thứ đang duy trì sẽ không được bán, nhưng họ cũng không muốn xúc phạm chủ sở hữu bằng cách thu hồi tất cả. Một thắng lợi nhỏ”, ông Tiếp nói.

Ngày 26.9, ông Ace Lê, giám tuyển người Việt đang làm việc tại Singapore, đã đưa ra bài viết về nghi vấn bức bình phong Nhà tranh gốc mít. Tác phẩm dự kiến đấu giá ngày 10.10 tại nhà Sotheby’s Hongkong. Thông tin của ông Ace Lê cho biết, trong phần ghi chú, nhà đấu giá có đề “Bức này tương đương với bức Nhà tranh gốc mít (1958) đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội”. Tại Hà Nội, bức sơn mài Nhà tranh gốc mít từng được triển lãm hồi 1960, sau đó tác giả Nguyễn Văn Tỵ cũng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 với chính tác phẩm này. Họa sĩ Nguyễn Bình Minh, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, khẳng định bức bình phong sắp được đấu giá là tranh giả.

Vụ việc về bức tranh này đã khép lại ngày 5.10. Ông Ace Lê thông báo: “Sotheby’s đã nhận thức được về các nghi vấn quanh tính xác thực của tấm bình phong Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ. Sotheby’s đề cao tính nghiêm trọng của những sự vụ về tính xác thực và xin rút tác phẩm này khỏi phiên đấu, đồng thời sẽ tiến hành xác minh sau đó”.

Ngày 27.9, cũng ông Ace Lê đưa lên Facebook cá nhân một nghi án khác. Đó là bức Cô gái bên lồng chim sắp đấu giá tại nhà Tajan tại Pháp ngày 13.10. Theo ông, tác phẩm này “nhìn khác các bản in từ tranh gốc đã xuất hiện”. Họa sĩ Nguyễn Linh ngay sau đó vào bình luận những tranh này nhái ngô nghê, thường nhắm tới những nhà sưu tập Việt mới nổi, mua mà không hiểu món hàng, chỉ dựa vào chứng nhận của nhà đấu giá. Cũng phải nói thêm, năm 2020, nhà Tajan đã gỡ 5 bức tranh giả từng dự kiến đấu giá vào ngày 21.7.2020.

Nhiều nhận định về bức Nhà tranh gốc mít của nhà Sotheby’s đã được các họa sĩ đưa ra

Kết nối tư liệu về tranh

Theo ông Ace Lê, rất cần thành lập những hội đồng thẩm định nghệ thuật uy tín. Trong đó việc đầu tư đào tạo một đội ngũ chuyên môn là cần thiết, về cả giám định các yếu tố vật lý, hóa học lẫn lai lịch và thị giác. Những hội đồng thẩm định này nên có sự hỗ trợ của chính phủ, các quỹ nghệ thuật, khối sưu tập tư nhân. Hội đồng cũng nên thường xuyên tổ chức các hội thảo, sự kiện trao đổi kỹ năng, phổ cập kiến thức về thẩm định nghệ thuật cho cộng đồng.

Ông Ace Lê còn cho rằng, đã đến lúc các nhà sưu tập ở Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với tinh thần cầu thị để thanh lọc các tác phẩm giả. “Ở Trung Quốc đã có Hiệp hội Các nhà sưu tập nghệ thuật, tổ chức hội thảo thường niên, và thẩm định tranh cũng là một trong những chủ đề thường xuyên được họ quan tâm”, ông nói.

Trong khi đó, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn của Heritage Space cho rằng có thể lập một trang web để cùng đóng góp các tư liệu mỹ thuật. Từ đó, việc rà soát các tác phẩm đáng ngờ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Bức Nhà tranh gốc mít tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội

chụp màn hình

Một vấn đề nữa cũng được đặt ra là có trường hợp tranh giả lại có tác phẩm cùng tên ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Liệu bảo tàng này có nên chủ động trao đổi thông tin với các nhà đấu giá để xác định rõ thực hư về tác phẩm của cả hai bên hay không? Còn nhớ, năm 2019, nhà Sotheby’s đưa ra đấu giá bức Hai cô gái trước bình phong, trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng có tác phẩm cùng tên. Khi đó, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng chỉ có thể khẳng định tranh ở bảo tàng ông là thật. Ông cũng không lên tiếng về bức tranh kia.

Về điều này, giám tuyển Ace Lê hy vọng đến một ngày không xa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bên liên quan sẽ có đủ sự sáng suốt và dũng cảm để làm một dự án lớn, nhằm thẩm định lại toàn bộ tranh đang treo trong bảo tàng, với sự giúp đỡ thêm từ giới học thuật và cộng đồng thực hành. “Tuy biết rằng có những tác phẩm không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng 100%, nhưng thiết nghĩ chỉ riêng việc bảo tàng có thành ý và đặt trách nhiệm, uy tín của mình lên hàng đầu thì chắc chắn sẽ được cộng đồng nhiệt liệt ủng hộ và thông cảm”, ông Ace Lê cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.