Những ngày này, Hoàng Ngọc Na, 26 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng ít có thời gian rảnh khi ngoài thời gian ủ bột, trộn nhân, nướng bánh… cô thường xuyên đọc tin nhắn đặt hàng của bạn bè khắp nơi. Theo Na, trước trung thu khoảng 2 tháng là thời điểm bán được nhiều bánh hơn, bởi nhiều người thích đi biếu, tặng, ăn thử bánh trước khi chính thức đến ngày lễ này.
“Tâm lý ăn trước bao giờ cũng ngon hơn, tặng quà trước bao giờ cũng thích hơn, để sát ngày mới mua tặng thì đã 'bão hòa' nên tôi thường bán được nhiều đơn hàng nhất là trước Tết Trung thu 1-2 tháng”, Na nói.
Theo Na, nếu người lớn tuổi thường đặt bánh nhân thập cẩm truyền thống hoặc nhân hạt sen thì người trẻ có xu hướng chọn bánh có nhân vị mới lạ như hạt chia, hạt dẻ, khoai môn, sầu riêng, mứt trái cây… Họa tiết trên chiếc bánh cũng được chú trọng hơn, không chỉ là bánh có khuôn hình cá chép, hoa sen thông thường.
Na cho biết thêm, loại bánh trung thu với các họa tiết in nổi màu sắc rực rỡ trên mặt bánh bán rất chạy cho khách hàng trẻ, mua để tặng người thân, bạn bè hoặc ăn thử trong gia đình.
|
Chị Nguyễn Ngọc Huyền, 30 tuổi, nhân viên văn phòng, trú cột 8, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh làm bánh trung thu home-made bán 3 năm nay. Mỗi năm, số lượng bánh bán ra nhiều hơn năm trước. Theo chị Huyền, trong xu thế bánh trung thu sản xuất công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, bánh home-made vẫn có “chỗ đứng” đó là niềm tin vào vệ sinh an toàn thực phẩm. “Bánh nhà làm sẽ có hạn sử dụng ngắn ngày hơn, do không dùng chất bảo quản, chúng tôi luôn bảo người mua bánh cố gắng ăn sớm, để không bị mốc, hư hỏng. Sự kết nối giữa người mua và người làm là sợi dây niềm tin”, chị Huyền cho hay.
Chị Huyền cũng cho biết, xu hướng bánh được ưa chuộng năm nay, ngoài chất lượng ngon còn là hình thức đẹp, bắt mắt. Việc sáng tạo là của mỗi người làm bánh tùy theo khả năng và độ nhanh nhạy với thị trường. “Người trung niên thích những mẫu bánh truyền thống thông thường, nhưng người mua bánh trẻ trung vẫn thích bánh tạo hình mới lạ, màu sắc rực rỡ nhưng phải có nguồn gốc tự nhiên như màu đỏ từ gấc, màu xanh của lá dứa, màu tím của khoai môn…”, chị Huyền nói.
|
|
Chị Lê Hoàng Thảo, đầu bếp, giáo viên dạy làm bánh, trú đường Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết thời gian qua số lượng người đăng ký học lớp bánh trung thu hiện đại của chị có gia tăng.
Theo chị Thảo, bánh trung thu hiện đại nhiều màu sắc hơn, bánh có họa tiết hoa, lá nổi trên mặt bánh có giá trị thẩm mỹ cao, được nhiều người ưa chuộng, xu hướng làm bánh này được học hỏi từ các thợ làm bánh Nhật Bản.
Bà Hoàng Mỹ Liên, đại diện một thương hiệu làm bánh, cho hay cùng với thời gian bánh trung thu sẽ được chú trọng cả về chất lượng và mẫu mã. Bánh trung thu rực rỡ, từ chiếc bánh tới vỏ hộp, sẽ dễ dàng chinh phục người trẻ, để họ nhớ về những mùa trung thu trong ký ức.
“Tết Trung thu với người Việt có ý nghĩa đoàn viên, mọi người ngồi bên nhau cùng ăn miếng bánh, uống tách trà, hàn huyên tâm sự, nhớ về những kỷ niệm ấu thơ, những ngày gian khó. Do đó, bánh trung thu không phải ăn cho no, cho béo mà ăn để nhớ”, bà Liên nói.
Bình luận (0)