Trào lưu chụp ảnh trên blog: Nào cùng đi... ngoại cảnh

20/01/2007 10:39 GMT+7

Lâu lâu mới vào thăm blog của cô bạn thân Ngân Giang, tôi phải trầm trồ trước loạt ảnh cá nhân mà nàng vừa mới đưa lên cho bạn bè chiêm ngưỡng. Lấy chủ đề "Hà Nội xưa", những bức ảnh thật điệu nghệ: ánh nắng chiều hắt nghiêng bóng bên hông nhà thờ lớn, Giang lơ đãng dừng xe đứng ngó mông lung trước một cửa ô, chạy lên từng bậc thềm Nhà hát lớn dáng chừng vội vã... Cô nàng bật mí: Thợ vườn nhà - cậu bạn - chụp thôi!

Tìm xa, tìm gần

Dường như trong giới trẻ thành phố, trào lưu chụp ảnh studio với phấn son trang điểm kỹ càng, ảnh kiểu Hàn Quốc ngộ nghĩnh đang dần bị thay thế bởi chụp ảnh ngoại cảnh: tươi tắn, tự nhiên, có phong cách... Lại thêm việc những chiếc máy ảnh kỹ thuật số "nhiều chấm" ngày càng vừa túi tiền bạn trẻ, nên rảnh rang cuối tuần hoặc chỉ một buổi chiều thôi là đám bạn cũng đã có thể hẹn hò nhau lang thang chụp ảnh chơi. Miễn phí, đẹp mà vui!

Cuối năm, đoán chừng dịp này ở những cánh đồng trồng màu, những luống hoa cải cúc và cải ngồng đã trổ hoa vàng rực rỡ, Nguyên Vũ (sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội) vác chiếc máy ảnh số mới sắm cùng với "mẫu" - cô bạn thân - nhằm hướng Gia Lâm thẳng tiến. Qua cầu Long Biên, rồi qua cầu Đuống chừng chục cây số, cả hai đã phải xuýt xoa dừng chân trước vạt hoa rực rỡ. Đây là những luống rau người ta để trổ hoa dành làm hạt giống cho vụ sau. Có thêm "trợ thủ" là ánh nắng một ngày đông chợt rực rỡ bất thường, "mẫu" cứ cười roi rói trên đường về vì có những tấm ảnh... tươi như ý!

Những nhóm bạn có thời gian, từ Hà Nội, có thể vừa chụp ảnh vừa kết hợp dã ngoại bằng cách chọn đi về những làng quê cổ còn giữ nhiều nét xưa Bắc bộ. Ví như về Bát Tràng (Gia Lâm), các phó nhòm có thể tìm được cảnh nền khá ấn tượng làm nổi bật "mẫu" là những bức tường chi chít vết than cám trộn với bùn, hoặc vào tận trong lò để chụp với những mẻ gốm còn chưa qua lửa. Về làng Đường Lâm (Sơn Tây), ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi để chụp "mẫu" trầm tư và hoài cổ bên những con ngõ lát gạch ngoằn ngoèo, những bức tường đá ong thô ráp màu hoàng thổ... cũng khá cảm xúc.

Không có nhiều thời gian, chỉ là một buổi chiều nổi hứng, Vũ Long (Q.Hai Bà Trưng, Hà  Nội) và ba người bạn chọn giải pháp chụp ngay trong thành phố. Riêng điểm dừng chân Quốc Tử Giám cũng đã ngốn của nhóm bạn cả buổi chiều. Nhỏ thôi, nhưng Quốc Tử Giám có nhiều góc bấm máy khá lạ mắt: đôi cánh cửa gỗ khép hờ lặng lẽ, hàng chấn song gỗ hun hút, những đầu rùa đội bia trầm tư... Phát hiện một đống ngói mũi hài - loại ngói thường dùng để lợp đình chùa - nằm xếp im ắng ở một góc tường, Vũ Long "thiết kế" làm hậu cảnh, chuyển máy sang chế độ chụp đen trắng,  cô "mẫu" đã có một bức ảnh bất ngờ đầy hoài cổ.

Vẽ bằng ánh sáng

Quả thực, dù chọn ngoại cảnh xa hay chỉ ngay trong thành phố, miễn là tay phó nhòm nghiệp dư có mắt chọn góc chụp thì ảnh nhất định có chất. Theo Cẩm Ly, cô sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, một người khá nhiều lần nổi hứng rủ bạn bè "xuống phố làm vài kiểu" thì ánh nắng là điều cần quan tâm nhất. Bây giờ là mùa đẹp nhất để xuống phố chụp ảnh. Từ sau Noel đến trước Tết âm lịch, trời Sài Gòn mát mẻ, buổi sáng và chiều nắng dịu, không chói gắt. Mình thích nhất là nắng chiều chênh chếch, khi đó chụp ảnh rất có hồn! Khi nắng trưa chiếu thẳng từ trên đỉnh đầu xuống, ảnh sẽ không sâu. Còn những ngày u ám thì ảnh khó mà tươi tắn.

Bạn bè chụp cho nhau, vì thế phó nhòm là nghiệp dư mà "mẫu" cũng nghiệp dư nốt, chính vì vậy diễn xuất của "mẫu" cũng khá... thất thường. Ly kể: "Nhiều lúc mình muốn cô bạn tạo một ánh nhìn thật xa xăm cho hợp với khung cảnh, thế mà nó cứ cười toe toét, bảo không biết làm thế nào để... xa xăm bây giờ. Có nàng đã thích đi chụp ảnh rồi, nhưng ra ngoài phố người nhòm qua ngó lại thì đâm... ngượng, không thể nào "tạo dáng" cho nàng được. Thế là mất công mình phải rình rình để... chụp trộm. Đó lại là những bức ảnh tự nhiên, rất dễ thương!".

Theo một phó nhòm sinh viên, chụp chân dung rất dễ trùng lặp ý tưởng. Quanh đi quanh lại nào chụp gần, chụp xa, chụp thẳng, chụp nghiêng, chụp vui, chụp buồn..., vài lần là hết vốn! Vì vậy, điều quan trọng đối với "người cầm máy vĩ đại" là phải có góc nhìn tinh tế, phát hiện ra cái hồn của khung cảnh và biết thiết kế cho "mẫu". Có một bệnh nữa mà giới trẻ dùng máy ảnh kỹ thuật số hay mắc phải, đó là bấm lia lịa - vì máy dùng thẻ nhớ, không mất tiền phim mà. Vì thế, bạn đừng tiếc mà giữ lại quá nhiều, như thế ảnh khá giống nhau, xem sẽ rất loãng. Ở mỗi địa điểm dù chụp cả trăm tấm thì cũng đừng thương tiếc mà xóa đi những bức nhàn nhạt, chỉ giữ lại năm bảy tấm đẹp nhất thì mới ấn tượng.

Chiều nay nắng đẹp, có ai đi làm vài "pô" không?

Dạ Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.