Trào lưu nhạc chế

29/06/2014 09:00 GMT+7

Thời gian qua, giới trẻ tung hàng loạt bài nhạc chế từ các ca khúc, chương trình truyền hình nổi tiếng đã khiến dân mạng nổi sóng.

 Chế Mình yêu nhau đi
Chế Mình yêu nhau đi

Gần đây nhất là ca khúc Mình yêu nhau đi của ca sĩ Bích Phương được các fan thi nhau chế. Phiên bản “mùa thi cử” nhận được khá nhiều sự thích thú từ các sĩ tử. Lời bài hát được sửa thành: “Nửa đêm vẫn đang ngồi chơi game, sáng mai thì đi thi. Mắt đã díp hết rồi mà mình vẫn chưa học gì. Chiều thì quyết tâm học ghê lắm, thế mà lại như thế... Hay là mình cứ bất chấp mang phao đi thi, chứ còn nhồi nhét nữa thì cũng không có ích gì”. Cuối bài hát, tác giả đưa ra lời khuyên “học hành như thế cũng không giúp gì được về sau”. Các phiên bản Mình chia tay đi, Mình cưới nhau đi đều thu hút nhiều người xem.

Sốt nhất phải kể đến bản nhạc Anh không đòi quà xuất phát từ câu chuyện có thật của một cô gái sau khi chia tay bị anh người yêu cho người đến tận nhà đòi quà. Sau bài đầu tiên thu hút hàng triệu lượt xem, giới trẻ ở khắp 3 miền tiếp tục chế lại, với các phiên bản “siêu nhân Gao xanh lá”, phiên bản Sơn La, Lạng Sơn, Phú Yên, Tây nguyên.

Không chỉ chế những bài hát mang nội dung tình yêu đôi lứa, một số bạn trẻ mượn cách này để thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ biển, đảo. Bài hát Yêu nước đơn giản mà (theo bài Hôn môi xa) của Cáp Anh Tài vừa đàn vừa hát có đoạn: “Khi thiên tai ngư dân ngăn những chuyến tàu, đây CQ nhanh tay thuyền máy ra ngay. Và ngăn những con tàu nước ngoài đến biển đảo chủ quyền nước Nam mình”. Bản Cả nước hướng về biển Đông (theo bài Con bướm xuân) cũng đầy tinh thần yêu nước: “Trung Quốc sai, Trung Quốc sai, Trung Quốc sai rồi, Điều mong ước của bao nhân dân nước Việt là hòa bình. Mau rút lui, mau rút lui, hãy rút quân về. Lòng vị tha chúng tôi có hạn, dừng ngay mau đi”.

Chế Mình yêu nhau đi
Chế Con bướm xuân - Cô giáo xinh

Có lẽ, sản phẩm chế Trung Quốc (TQ) xin lỗi VN ra đời ngay trong thời điểm căng thẳng ở vùng biển Hoàng Sa do TQ đặt giàn khoan trái phép, đã chạm tới điều mà nhiều người mong muốn nhất. Từ bài hát Bắc Kinh chào đón bạn tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, với hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng của TQ tham gia, tác giả bài nhạc chế đã sáng tác phần lời: “Ngày hôm nay chúng tôi tụ họp ở đây, là để ủng hộ phong trào của các bạn, chúng tôi ủng hộ Việt Nam bằng cả trái tim, Chính phủ chúng tôi thực sự đã sai, đã sai rất nhiều. Nhưng các bạn thật rộng lượng, thật cao thượng biết bao”. Đến đoạn diễn viên Thành Long hát, thì lời chế là “Thật lòng xin lỗi Việt Nam, xin lỗi dân tộc anh em...”.

Dù có một số ý kiến nhận xét đoạn nhạc này thể hiện “tinh thần tự sướng”, nhưng phần lớn đều cho rằng lời chế phần nào nói lên được nhận thức và thái độ của giới trẻ trước hành động ngang ngược của TQ. 

Từ gây cười đến... phản cảm

Phần lớn các clip chế đều có chung phong cách hài hước, gây cười từ lời bài hát đến hình ảnh. Có những clip được đầu tư công phu, trau chuốt cho kịch bản, nhân vật, cũng có những clip chỉ có phần nhạc... Tuy nhiên, không ít tác phẩm sử dụng một số câu chữ, hình ảnh có phần phản cảm, như clip chế Mình yêu nhau đi - câu chuyện về bố anh tình nguyện viên, Say cảm xúc (chế bài Không cảm xúc của Nguyễn Đình Vũ do Hồ Quang Hiếu hát), Anh không đòi quà...

Bình luận

* Xem nhiều lần rồi vẫn không nhịn cười nổi. (Với clip chế Hitler thi Giọng hát Việt - Bảo Nguyễn/YouTube)

* Hay nhưng có đôi chỗ hơi tục. (Với clip chế Mình yêu nhau đi - Dương Thùy, YouTube)

* Bài này hay lắm, mình rất thích. Ước gì những lời nói trong clip giống như bạn sáng tác thì hay biết mấy. (Với clip Trung Quốc xin lỗi Việt Nam - Luong Do/Facebook)

Mỹ Quyên

>> Video clip: Thú vị 3 thí sinh nhí hát nhạc chế 'Sóng tình
>> Tổng kết bóng đá bằng liên khúc nhạc chế
>> Tràn lan nhạc chế trên mạng
>> Diễn viên hài hát nhạc chế: Chọc cười phản cảm!
>> Trong thế giới nhạc "chế"...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.