Ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 hôm qua là một ngày “cân não” của không ít phụ huynh và thí sinh. Có những giọt nước mắt tức tưởi xen niềm vui vỡ òa vào phút cuối của một kỳ xét tuyển đầy kịch tính.
Thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM bật khóc ngay sau khi biết điểm
trúng tuyển dự kiến của trường này vào chiều hôm qua - Ảnh: H.A |
Đội mưa đi rút - nộp hồ sơ
Trong khuôn viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhiều thí sinh (TS) và phụ huynh mệt mỏi nằm chờ khắp các bãi cỏ, gốc cây. “Tới 3 giờ xem tình hình hồ sơ thế nào tôi sẽ rút hồ sơ của con nộp sang Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM”, ông Nguyễn Thành An, ngụ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói.
|
Đúng 15 giờ, thấy con mình tụt xuống vị trí 101 trong khoa môi trường, ông Thái Văn Thành (ngụ ở Trảng Bom, Đồng Nai) lật đật cùng con trai chạy lên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật rút hồ sơ. Rồi mặc cho trời Sài Gòn mưa như trút nước, hai cha con tất tả xách nón bảo hiểm chạy xe để kịp qua Trường ĐH Nông Lâm nộp hồ sơ. Mặt mũi ướt mèm, ông Thành mệt mỏi: “Tôi chưa thấy kỳ thi nào hỗn loạn, rắc rối như kỳ thi năm nay. Thật mệt mỏi và tốn kém”.
Còn ông Trần Hữu Đằng (ngụ ở Biên Hòa, Đồng Nai), kể: “12 giờ đêm qua tôi đã phải đưa vợ đi lấy rau bán ở chợ đầu mối Thủ Đức. Tới sáng phải về sớm đưa con lên túc trực ở trường. Sau khi thấy tình hình không ổn, cha con tôi liền rút hồ sơ từ ĐH Bách khoa chạy sang ĐH Sư phạm kỹ thuật nộp ngay cho kịp”, nói đoạn ông Đằng đưa tay áo đẫm nước mưa lên lau vội nước mắt.
Nhìn cảnh hỗn loạn này khiến các thầy cô và những người có mặt lúc đó không khỏi xót xa.
“TS, phụ huynh trào nước mắt vì mệt mỏi và thất vọng là hình ảnh chúng tôi bắt gặp trong những ngày làm công tác tuyển sinh vừa qua”, ông Nguyễn Ngọc Bích, Phó trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, TP.HCM chia sẻ.
Chầu chực ở trường
Chầu chực tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 3 ngày nay, phụ huynh Nguyễn Văn Son (quê Phú Yên) cho biết do sốt ruột nên đã đi tàu lửa vào TP.HCM để canh điểm.
Từ nhà trọ, ngày nào phụ huynh này cũng lên trường để xem xét tình hình từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Đến ngày cuối cùng, dù đã nộp hồ sơ nhưng điểm thi chỉ bằng ngưỡng điểm tạm thời nên vẫn đến trường theo dõi tình hình. “Trước đây tôi chưa đụng đến máy tính, nhưng để cập nhật điểm thi nên cháu cho mượn máy và đến nay đã sử dụng thành thạo thiết bị này. Nói vậy để thấy việc thay đổi tuyển sinh năm nay khiến phụ huynh phải gồng mình vì căng thẳng”, phụ huynh này chia sẻ.
Tương tự, phụ huynh Nguyễn Văn Dũng (quê Tiền Giang) đã có 7 ngày ở trọ tại TP.HCM để nộp hồ sơ. Với mức điểm 23,25, con của ông đã rớt khỏi danh sách trúng tuyển tạm thời của Trường ĐH Kinh tế - Luật trước khi chuyển sang Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Vì mức điểm bằng ngưỡng nên phụ huynh này quyết định chờ đến cuối giờ chiều mới dám nộp. Cũng tại trường này, chúng tôi còn gặp cụ ông Trần Hiền (77 tuổi) cùng cháu nội đi từ Quảng Ngãi vào nộp hồ sơ.
Trong khi đó, đứng đợi giữa giờ trưa tại sảnh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phụ huynh Nguyễn Văn Minh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lo lắng: “Từ lâu con trai đã định hướng trở thành giáo viên dạy môn vật lý. Dù điểm thi cao hơn ngưỡng trường công bố nhưng không dám nộp hồ sơ cho đến phút cuối cùng. Điều chúng tôi sợ nhất là nếu rớt nguyện vọng này thì có thể phải học một ngành khác không đúng nguyện vọng yêu thích. Không chỉ con tôi, với cách thức xét tuyển năm nay thì nhiều TS sẽ rơi vào tình trạng này”, ông Minh tâm tư.
28 điểm vẫn chưa chắc đậu
Đến sáng 20.8, ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM vẫn có điểm trúng tuyển tạm thời là 27,75 điểm.
Nhiều TS có mức điểm này ngồi từ sáng sớm, liên tục hỏi thông tin từ nhân viên phụ trách hồ sơ xem có ai điểm cao hơn nộp vào không. Nhưng đến buổi trưa, căn cứ vào số lượng hồ sơ nộp vào, điểm trúng tuyển tạm thời ngành này đã vọt lên 28 điểm. Lập tức, một số phụ huynh, TS bật khóc vì quá tức tưởi.
Nhưng chưa hết. Mức điểm trúng tuyển tạm thời lúc này là 28, tuy nhiên theo tính toán của trường, nếu có nhiều TS có mức điểm này hơn so với chỉ tiêu sẽ xét thêm tiêu chí phụ: TS phải có môn sinh từ 8,5 điểm trở lên. Vì vậy Q. Khánh (học sinh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng) như “ngồi trên đống lửa”. Khánh được 28 điểm, nhưng điểm tiêu chí phụ môn sinh lại thấp hơn 8,5 điểm. Đến buổi trưa, tính theo chỉ tiêu, Khánh vẫn còn ở mức an toàn. Nhưng bất ngờ, có thông báo thêm TS được tuyển thẳng, Khánh bỗng dưng bị “rớt” ra ngoài.
Phụ huynh của Vũ Việt Hà (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bám trụ cho đến giờ chót. Hà là thủ khoa của toàn tỉnh Quảng Nam với 28 điểm, môn sinh học được 9,5, nộp vào ngành bác sĩ đa khoa. Nhưng phụ huynh của Hà vẫn cho biết: “Tôi phải chờ ở đây để xem điểm còn biến động không. Tôi run quá! Không biết điểm này đã được an toàn hay chưa. Còn TS nộp bưu điện nữa mà!”.
Đăng Nguyên
|
Sẽ không đóng cửa khi thí sinh còn ở trường
Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết sẽ không đóng cửa khi TS còn ở trường. Ông Đức nói trong xúc động: “Chúng tôi sẽ kéo dài thời gian nhận hồ sơ tới 18 giờ hoặc sau đó một chút để hỗ trợ TS nộp muộn. Chỉ cầu mong không có nhiều thay đổi về số lượng hồ sơ gửi vào để các TS nằm trong danh sách trúng tuyển tạm thời không mất đi cơ hội vào trường”.
Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, khẳng định: “Kể cả trường hợp đến xin rút hồ sơ sau 17 giờ, trường vẫn sẵn sàng tạo điều kiện cho TS”.
L. Ngọc - T.Nguyễn
|
Muốn học y nhưng phải vào bách khoa !
Có nhiều trường hợp đến phút chót chọn đại một trường để nộp hồ sơ miễn sao vào ĐH. Bùi Thị Thu Trang (Hà Nội) đến chiều 20.8 quyết định nộp hồ sơ vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội. Mặc dù nguyện vọng từ khi học THPT của Trang là học ngành tài chính kế toán của Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho rằng khâu xét tuyển đúng là có vấn đề và nhiều cái phải rút kinh nghiệm. Nhưng sự bất cập của công tác xét tuyển không chỉ dừng lại ở đó. Điều sâu xa hơn, theo ông Hạnh, TS chọn trường dường như chỉ bằng điểm số và chọn trường tương ứng với mức điểm mà mình đạt được. Thế nên không hiếm trường hợp lẽ ra muốn chọn vào Trường ĐH Y nhưng rồi thấy mức điểm cao quá lại “nhảy” sang Trường ĐH Bách khoa... hai ngành nghề không liên quan gì cả nhưng mục tiêu là phải đỗ ĐH. Điều đó mâu thuẫn với mục tiêu hướng nghiệp ngay từ bậc phổ thông của Bộ GD-ĐT.
T.Nguyễn
|
BÊN LỀ
Phát kẹo để phụ huynh bớt... căng thẳng
Tình hình rút và nộp hồ sơ ngày cuối cùng tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hết sức sôi động. Trong phòng nhận hồ sơ gần 1.000 ghế, phụ huynh và TS ngồi không còn một chỗ trống, chờ canh điểm trong tâm trạng hết sức lo âu.
Thấy vậy trường đã phát kẹo, mở nhạc nhẹ và phục vụ nước uống để phụ huynh, TS bớt căng thẳng (ảnh). Đặc biệt, cứ cách mỗi giờ, cán bộ đào tạo của trường dùng loa thông báo tình hình xét tuyển và mức điểm trúng tuyển tạm thời cho TS ngay tại phòng chờ và cập nhật lên website.
Tin, ảnh: H.Ánh - Đ.N.T
Giống như thị trường chứng khoán
Một phụ huynh ngồi chờ điểm tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bức xúc nói: “Tôi là nhân viên tài chính của một công ty và cũng là dân chơi chứng khoán đã 15 năm, tôi cảm thấy đợt xét tuyển năm nay cũng như thị trường chứng khoán vậy. Tôi hồi hộp chờ điểm cho cháu mà hồi hộp như ngày đầu cách đây 15 năm tôi bước vào chơi chứng khoán”.
Tin, ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phát hiện thí sinh làm giả hộ khẩu TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Dũng Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết vì quy định TS phải có hộ khẩu TP.HCM mới được nộp hồ sơ, trường phát hiện một số trường hợp làm giả hộ khẩu. Sau khi phát hiện, trường có báo cho công an để tiếp tục làm rõ. Đó là chưa kể xuất hiện nhiều trường hợp... chạy hộ khẩu. Trường nhận thấy một số TS nộp hồ sơ từ trường khác qua chỉ mới nhập hộ khẩu tại TP.HCM. Ông Tuấn cho biết điều này phát sinh trong năm nay nên năm sau trường sẽ rút kinh nghiệm.
Đ.Nguyên
900 km rút - nộp hồ sơ
TS tên Thúy học ở Trường THPT Trần Phú, Móng Cái, Quảng Ninh. Thúy cho biết, ban đầu đăng ký xét tuyển khối B (23,25 điểm) vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y khoa Vinh.
Sau lần cập nhật danh sách ngày 17.8, thấy rơi khỏi danh sách dự kiến trúng tuyển nên vội vàng bắt xe khách vượt chặng đường 600 km từ Móng Cái vào Vinh để rút hồ sơ để sau đó ngược thêm 300 km trở ra Hà Nội. “Hiện đầu óc em còn rối bời nên em cũng chưa biết nếu diễn biến xấu khiến mình phải rút hồ sơ thì sau đó phải làm gì!”, Thúy chia sẻ.
Q.Hiên
|
Bình luận (0)