Trao thêm quyền cho Ủy ban Chứng khoán

10/11/2010 15:33 GMT+7

(TNO) Sáng 10.11, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Giải trình về kiến nghị của các ĐBQH về việc giao một số thẩm quyền nhất định cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định “Bộ Tài chính đã đề xuất vấn đề này, nhưng sau đó lại rút ra khỏi dự thảo luật”.

Trao quyền cho Ủy ban Chứng khoán

Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), nên giao cho UBCKNN quyền xác minh các vấn đề sai trái trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, thẩm quyền điều tra các hành vi gian lận, nội gián, móc ngoặc để làm giá, lũng đoạn thị trường chứng khoán.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) cho rằng, hiện nay trên thị trường chứng khoán ngày càng xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh mới, đi kèm với đó là nhiều loại hình tội phạm mới trong lĩnh vực này. Nếu để UBCKNN phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính thì vấn đề đã trở thành lỗi thời, không theo kịp tình hình thực tế, có thể gây rủi ro đối với thị trường chứng khoán.

Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Nhà nước đang có chủ trương phân tách giữa quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh, nếu để UB này tiếp tục trực thuộc Bộ Tài chính là đi ngược với chủ trương, và có thể xảy ra sai sót.

Liên quan tới vị trí độc lập của UB này, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng chính vì địa vị pháp lý lơ lửng như vậy dẫn tới việc UBCKNN không có quyền thẩm tra những vụ việc phao tin làm giá cổ phiếu - một hiện tượng mới nổi cộm trên thị trường chứng khoán của nước ta thời gian qua - cũng như xác minh các hành vi nội gián thông tin, thông đồng với người trong các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu. Vì vậy, dự luật cần bổ sung quy định trao cho UB này quyền xác minh, không dùng cụm từ “điều tra” như trong dự luật, tài sản ở ngân hàng, yêu cầu đối tượng cung cấp tài liệu.

Siết chặt an ninh thông tin

Thống kê của UBCKNN cho biết, trong 3 năm qua, tổng khối lượng huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt gần 200.000 tỉ đồng, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng gần hai lần từ 4,5 tỉ USD năm 2007 lên 9 tỉ USD năm 2009.

Theo ĐB Trần Du Lịch, tình trạng nội gián, làm giá trên thị trường chứng khoán ngày càng nổi cộm. Vì vậy, việc một số DN không trung thực, cung cấp thông tin một cách thổi phồng hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua dự án nọ, dự án kia... khiến nhà đầu tư dễ gặp rủi ro, bị thiệt hại về kinh tế.

Những hành vi đó có dấu hiệu của tội khai báo gian dối, cố ý làm sai các quy định quản lý kinh tế... Do đó, dự thảo luật cần có những quy định cụ thể đối với hành vi cung cấp sai thông tin, cấm tham gia hoạt động chứng khoán đối với cá nhân, tổ chức, công ty... trong một thời gian nhất định.

Khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm tính minh bạch cho thị trường chứng khoán và an toàn vốn, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh việc cần thiết hạn chế số lượng người được quyền tiếp cận thông tin nội bộ, hạn chế sự lũng đoạn thị trường của các “đại gia” chứng khoán, đặc biệt là “đại gia” chứng khoán nước ngoài, để tránh hiện tượng bán tháo ào ạt hoặc mua vào với số lượng lớn để ghìm giá.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐQBH, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình về ý kiến thắc mắc của ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên), Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) về việc các điều kiện thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ quá dễ.

Theo Bộ trưởng Ninh, thực tế này xuất phát từ việc thời kỳ đầu thị trường chứng khoán gần như không phát triển, vì vậy cần có chủ trương khuyến khích các công ty chứng khoán hoạt động, các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn.

Chỉ đến khi thị trường bùng nổ trong giai đoạn 2006- 2008 và từ đó phát sinh những điểm phức tạp trên thị trường, nhu cầu siết chặt quy định đối với việc thành lập các công ty này mới xuất hiện và trở thành cấp thiết.  

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định Bộ Tài chính đã trao khá nhiều thẩm quyền để tăng tính độc lập cho UBCKNN như việc cấp phép, chứng chỉ, cho phép thành lập công ty, kiểm tra, giám sát hoạt động chứng khoán trên thị trường… Chỉ những vấn đề lớn, liên quan đến thị trường vốn thì mới phải báo cáo Bộ Tài chính, và Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xử lý. Do đó, việc xử lý thông tin thường nhật không sợ chậm trễ như lo ngại của các ĐBQH.

Mặt khác, việc tăng tính độc lập cho UBCKNN thực tế đã được Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo luật từ trước. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến đóng góp và thảo luận, có ý kiến phản biện, nên tạm thời rút ra; “nếu các đại biểu thấy việc này là cần thiết thì Ban soạn thảo sẽ đưa quy định này vào lại dự thảo”.

Thành Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.