(TNTS) Đại phàm, trâu là trâu mà bò là bò. Sinh vật học sơ đẳng xếp trâu và bò vào loại đại gia súc có tính tương cận.
Minh họa: DAD
|
Tương cận có nghĩa là gần nhau nhưng không giống nhau hẳn, y như hai anh em bà con đồng khóa khác chìa. Trâu to con tốt tướng, hai sừng cong ngoặc vào nhau, da cơ bản là đen, cá biệt có khi trắng nên được bà con nông dân phía Nam gọi là trâu cò. Bò có vẻ khiêm tốn hơn chút đỉnh về trọng lượng, da nâu hoặc vàng, hai sừng thường chĩa ra hai bên nên bà con nông dân miền Trung gọi là sừng cọc tre.
Bởi khác nhau nên thịt của hai con này cũng khác nhau. Thịt trâu đỏ hơn, mỡ trắng, giá rẻ. Thịt bò hồng hơn, mỡ vàng, giá mắc. Dân sành ăn xếp thịt bò lên trên thịt trâu, coi thịt bò là cao quý nên mới có các quán bò bít tết, phở bò, bún bò giò heo, bò lúc lắc, bò né... ra đời.
Ngược lại, không ai dám mở quán chưng bảng hiệu phở trâu, bún trâu, trâu né... Riêng bà con ở Nam bộ buôn bán chân tình, bán thịt gì thì nói thịt ấy, như quán lẩu trâu nấu cơm mẻ vẫn được người nhậu bình dân nhiệt liệt hoan nghênh. “Phẩm giá” của thịt trâu nhờ vậy mà được nâng lên một tầm cao mới. Ít ra thì con trâu cũng đỡ tủi thân so với con bò trong sứ mạng phục vụ cái... bao tử của dân nhậu.
Hôm nay, tôi nói về chuyện trâu hóa bò. Mấy chục năm trước, người tiêu dùng đã biết đến thương hiệu một hãng làm khô bò khá nổi tiếng ở thành phố này. Thế nhưng, đoàn kiểm tra liên ngành đã đến “thăm hỏi” thực tế sản xuất và chế biến, mới lòi ra chuyện hãng ta làm khô trâu mà để mác khô bò. Có lẽ chữ bò làm cho cái miệng của con người vinh dự hơn chăng? Năm 1976, tôi ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Nhà bác nông dân hàng xóm có con trâu tơ, đi ăn cỏ lơ đãng té bờ, hư một chân trước. Bác làm thịt con trâu và bán cho hàng xóm với giá rẻ rề 2 đồng/ký. Anh em chúng tôi mua hẳn một đùi sau, nấu món... trâu kho. Có anh bạn hiếu sự đề nghị gọi nó là món bò kho cho sang trọng.
Tôi vẫn giữ ý kiến gọi là trâu kho bởi vì tên món ăn này mới; sang trọng hay không là do phẩm chất thịt và cách kho nấu tạo ra chứ không phải do tên gọi. Thôi thì sả, ớt, ngũ vị hương ướp vào; xào lên cho thịt săn mình rồi mới đổ nước hầm mềm ra. Trời đất hỡi, ăn miếng thịt trâu tơ còn vinh dự cái miệng hơn cả ăn thịt bò già. Ai nói ăn trâu là khổ, là mất phẩm giá cái miệng?
Chuyện trâu hóa bò vừa nói chỉ là chuyện nhỏ lẻ. Trường hợp biến hóa lộn xộn vừa được các phóng viên truyền hình đưa lên ti vi vào cuối tháng 6.2015 mới là... công nghiệp hiện đại. Ấn Độ xuất bán cho ta 38 tấn thịt trâu; trên tờ khai hải quan và bao bì từng kiện hàng cũng ghi rõ là “thịt trâu”. Số thịt trâu ấy phải đi qua 5 cửa ải kiểm tra của hải quan, cảnh sát kinh tế, thú y, quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm rồi mới về tới kho dự trữ của đơn vị nhập. Đến đây thì quá trình biến hóa (và thậm chí là tiến hóa!) xảy ra.
Đơn vị nhập vứt cái nhãn thịt trâu đi, thay vào đó bằng cái nhãn thịt bò rồi cho xe đông lạnh chở đi bán cho các đại lý hay tiểu thương. Những nơi này phân phối, bán lẻ cho các khách sạn, nhà hàng, tiệm phở, tiệm bún. Tại các nơi này, phẩm chất “bò” của thịt trâu càng được khẳng định đến nỗi một khách ăn nào đó dám nghi ngờ món thịt mình đang ăn là thịt trâu thì có thể bị tát vỡ mồm như chơi. Giải thích tại sao thịt trâu hóa thành thịt bò ngang xương như vậy, một đại lý trả lời “Khách hàng họ thích gọi thế”.
Sẽ không có gì đáng phàn nàn nếu ta ăn thịt trâu. Vả chăng, ăn thịt trâu không chừng sức khỏe con người càng dồi dào hơn bởi con trâu... mạnh hơn con bò. Thịt trâu Ấn Độ là một loại thực phẩm tốt bởi nước bạn khá cẩn thận trong việc kiểm định hàng hóa trước khi xuất khẩu. Các cơ quan chức năng ở ta cũng đã làm hết chức năng của họ. Cái đáng phàn nàn nhất ở đây là giá cả của món thịt trâu chính cống biến thành thịt bò giả mạo này. Giá nhập hàng khai tại hải quan là 42.000 đồng/ ký. Giá của đại lý hay tiểu thương bán ra cho người tiêu dùng là 230.000 đồng/ ký. Số tiền lời mà tiểu thương, đại lý, công ty nhập khẩu ăn được trên đầu trên cổ người tiêu dùng thật quá lớn. Tất cả nỗ lực của họ chỉ vỏn vẹn có một công việc hết sức nhẹ nhàng: Đổi chữ trâu ra bò! Người tiêu dùng thực thụ (khách hàng ăn nhầm môn thịt trâu này) đã bị các đơn vị trên lường gạt, bóc lột một cách quá cỡ thợ mộc.
Năm kia, chúng ta đã từng cười các nước Tây phương ăn nhầm thịt ngựa mà cứ nghĩ mình đang ăn thịt bò do có một công ty lớn chuyên làm thịt ngựa phân phối cho các siêu thị và xuất khẩu đi một số nước EU.
Sự việc chỉ được giải quyết trên giấy tờ và trước tòa án, không có hình ảnh miếng thịt ngựa kèm theo. Năm nay, các nhà báo truyền hình ở ta đưa được cái phóng sự trâu hóa bò này thuyết phục hơn nhiều.
Các phóng viên chịu khó chạy theo các xe đông lạnh chở thịt trâu đi từ kho ở Hà Nội đến các tỉnh. Họ vào các chợ hỏi giá, thu hình. Họ lại đi đến tận các quán phở, quán bún có bảng hiệu phở bò, bún bò hỏi thăm các vị chủ quán. Nhìn cái sớ thịt trâu mà ống kính truyền hình zoom lớn, tôi thốt nhiên nghĩ đến hình ảnh miếng thịt bò mà mình thường ăn ở một quán phở bình dân. Sao cả hai miếng thịt nó giống nhau quá hà. Đạo tôi sai rồi chăng? Lẽ nào tôi đã ăn phải phở trâu mà trả giá phở bò chăng?
Giải quyết chuyện trâu hóa bò mà các nhà báo truyền hình VTV đưa ra là thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng. Người tiêu dùng thai phàm mắt thịt như chúng ta chỉ còn một cách “tự vệ chính đáng” là cảnh giác với khuynh hướng sính dùng thực phẩm ngoại nhập của chính mình.
Khi mua thực phẩm tươi sống ngoại nhập, xin bà con quan tâm đến nhãn hiệu bao bì rõ ràng, cách vô bao đóng gói hợp vệ sinh, ngày sản xuất và thời hạn dùng, uy tín thương hiệu của đơn vị bán lẻ.
Tuyệt đối không mua những loại thực phẩm “cởi trần” ở những thị trường nhỏ lẻ, dù họ có quảng cáo đó là... thịt gấu trắng ở Bắc Cực, ăn vào sẽ sung độ, tráng dương, bổ thận... Bạn đi qua đường phố, thi thoảng gặp hình ảnh người ta treo một cái đùi gọi là đùi bò để bán thịt bò tươi. Xin hãy cảnh giác, đó có thể là thịt trâu Mura. Loại này sớ thịt đỏ bất thường, mỡ trắng, bán nguyên cả da. Thấy món nào là lạ, xin đừng ăn dù nó nằm trên bàn tiệc của những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Chủ trương ăn uống của tôi là thà ăn một tô mì Quảng 20.000 đồng nấu từ gà ta thứ thiệt chứ không ăn một đĩa thịt bò bít tết 60.000 đồng chiên từ thịt trâu chính cống!
Nói như vậy không có nghĩa là tôi nghi ngờ chất lượng của thịt trâu và không ăn thịt trâu. Tôi đã từng ăn thịt trâu, mà còn ăn nhiều lần. Nhưng đâu đó phải rõ ràng, trâu thì phải gọi là trâu mà bò mới được gọi là bò. Bán thịt trâu mà gọi là thịt bò và lấy giá tiền của thịt bò (vốn mắc hơn giá thịt trâu) là lừa đảo khách hàng.
Cho nên mỗi khi đi miền Tây, tôi vẫn khoái nhào vào các quán lẩu trâu cơm mẻ. Bà con họ buôn bán ngay thật, bán thịt trâu thì cứ bảo là thịt trâu chứ không bao giờ phong nó lên thành lẩu bò cơm mẻ. Dọc đường từ Bến xe Vĩnh Long về đến thành phố Trà Vinh, bà con nông dân hay làm thịt bò để bán. Để chứng minh uy tín thương hiệu của mình, có bà con thận trọng chưng ra cái... đầu bò hoặc bốn cái giò bò nhỏ xíu. Khách đi đường hay dừng xe vào đó mua thịt bò tươi chính hiệu con nai! Đó mới là bò thứ thiệt.
Quảng Nam quê tôi có một món nhậu thuộc loại “nhất dương chỉ” trên đời, tục gọi món trâu nghé xào lá lốt. Bà con quê tôi rất quý con trâu vì trâu làm sức kéo tốt hơn bò, lại dễ nuôi và mạnh khỏe hơn bò.
Cho nên, họ nuôi bò thì thả rong trên rừng núi mà nuôi trâu thì chăm sóc kỹ trong chuồng trại. Con trâu nghé đực mập mạp, nuôi lớn khoảng 100 ký mới làm thịt; giá tiền mắc gấp rưỡi tiền thịt bò. Thịt trâu nghé xắt mỏng, xào trên dầu phụng (dầu phộng) khử hành tỏi, rồi cho lá lốt xắt sợi vào. Múc ra đĩa, bỏ thêm tiêu và đậu phộng rang. Tôi đã ăn một bữa trâu nghé ở Tam Kỳ cách đây 6 năm. Có thơ rằng: “Trăm năm lỡ có giận nhau/Cũng không nên gọi thịt trâu là bò/Ngàn năm dù hết hẹn hò/Cũng không làm chuyện treo bò bán trâu”.
Bình luận (0)