Điều không thể phủ nhận là việc hợp tác với nước ngoài của vài ngôi sao Việt ít nhiều đã mang về hiệu ứng đáng kể, ít nhất là tạo thêm giá trị trên thị trường trong nước. Vì vậy, hầu hết các ca sĩ đều mong muốn có được sự hợp tác từ nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng cách giữa mong muốn và thực tế làm được vẫn còn rất xa.
Tốn công, tốn của chưa chắc được gì
Để được tham gia hội chợ âm nhạc Midem, vốn chỉ dành cho người trong giới tổ chức hằng năm ở Cannes (Pháp), mỗi người phải mua một thẻ thành viên trị giá gần 1.000 USD. Theo lời ca sĩ Đức Tuấn, chi phí cho một chuyến đi ở mức 2.000-3.000 USD. Không hẳn chỉ với một chuyến đi đã có thể tìm được một sự hợp tác như mong đợi. Tuy nhiên, chỉ cần một lần dự Midem, mỗi người đều có được mối liên hệ với hầu hết các nhà sản xuất hay ca sĩ khắp thế giới thông qua kỷ yếu hội chợ được phát hành nội bộ. “Thế nhưng, cần phải kiên nhẫn để tìm hiểu và liên lạc nhiều lần thì mới có thể có được sự thỏa thuận” - ca sĩ Đức Tuấn nói.
|
Ca sĩ Phương Vy cho biết việc tìm được một sự hợp tác ngay cả ở Hollywood cũng không khó. Cô cũng đã có vài chuyến đến thăm dò và tìm kiếm cho mình sự hợp tác phát triển âm nhạc ở Mỹ. “Với chi phí 3.000 USD/ca khúc (chưa tính các khoản thu, hòa âm phối khí…), không phải mình không có khả năng chi trả. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ kể cả khi bỏ ra một khoản tiền lớn cũng chưa chắc đã có được những ca khúc thật sự xuất sắc như mong đợi. Bởi chúng ta không dễ có được sự hợp tác với những nhạc sĩ có tên tuổi và sức ảnh hưởng lớn ở Hollywood. Trong khi đó, những người chịu hợp tác với mình lại không nổi bật” - Phương Vy tiết lộ.
Chuyến quảng bá album của bộ ba Mỹ Linh, Anh Quân và Huy Tuấn tại Nhật Bản cách đây 8 năm đã để lại ít nhiều ấn tượng về mặt chuyên nghiệp. Các CD Made in Vietnam, Chat với Mozart, Để tình yêu hát đều do Hãng Pony Canyon lựa chọn và phát hành. Riêng CD Made in Vietnam sau gần 1 tháng phát trên kênh âm nhạc ở thành phố Nagoya đã được bình chọn là album hay và đáng nghe nhất trong tháng. Thành công này bắt nguồn từ việc Mỹ Linh có hẳn công ty đại diện tại Nhật là hãng JTB Chubu. Tuy nhiên, đến nay, sau khoảng thời gian dài, Mỹ Linh chưa quay trở lại đây. “Mọi thứ đều không đơn giản và Nhật cũng không phải là thị trường dễ chinh phục” - nhạc sĩ Huy Tuấn giải thích.
Chinh phục: Vẫn trong mơ
Một trong những con đường chính thống đưa ca sĩ tiếp cận với thị trường âm nhạc nước ngoài, đặc biệt trong khu vực châu Á, chính là tham gia các liên hoan âm nhạc quốc tế. Những chuyến tham gia các liên hoan âm nhạc ở nước ngoài của Hồ Quỳnh Hương, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Hiền Thục, Hồ Ngọc Hà, Minh Thư, Lam Trường… ít nhiều cũng giúp họ mở tầm mắt và là dịp để đồng nghiệp quốc tế biết đến ca sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, liên hoan vẫn chỉ là liên hoan, chủ yếu vui vẻ, học hỏi, tạo vài mối quan hệ. Hồ Ngọc Hà hay Hồ Quỳnh Hương vẫn tham dự Asia Song Festival ở Hàn Quốc nhưng việc chinh phục thị trường ở đây vẫn là trong mơ.
Một ca sĩ được đại diện Việt Nam tham gia liên hoan âm nhạc quốc tế thì quan hệ cá nhân thường chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Không phải tự nhiên mà ca sĩ Mỹ Tâm thường được mời tham dự các festival âm nhạc ở Hàn Quốc. Việc hợp tác với nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc chính là điều kiện để Mỹ Tâm luôn nằm trong lựa chọn hàng đầu trước khi họ nghĩ đến một gương mặt khác. Việc Minh Thư được mời đích danh tham gia liên hoan âm nhạc quốc tế tại Thái Lan cũng được lý giải vì cô là ca sĩ Việt Nam hiếm hoi hợp tác với nhà sản xuất âm nhạc ở nước này hiện nay. Việc tham gia liên hoan cùng các đợt quảng bá album ở đài phát thanh, truyền hình nằm trong kế hoạch giới thiệu và phát triển sự nghiệp ca hát của Minh Thư tại Thái Lan của nhà sản xuất.
Tất nhiên, không phải tất cả đều chỉ dựa trên mối quan hệ. Nhiều festival, nhất là ở châu u, luôn có tiêu chí rõ ràng và cũng mở rộng cửa với những sáng tạo mang màu sắc Á Đông. Các nghệ sĩ có thể tự tìm hiểu và gửi sản phẩm thu âm thử đến, có thể sẽ nhận được tài trợ tham dự hoặc dễ nhất là tự túc tham gia, coi như một hình thức đầu tư. Tuy nhiên, đó vẫn là những bước đi rất quan trọng.
Vấn đề là mỗi người tận dụng nó như thế nào. “Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng mở rộng sự nghiệp ra nước ngoài không có nghĩa là ngay tức khắc ta phải tới Mỹ, Anh, Hàn Quốc hay Nhật mà có khi lại là những thị trường “thứ cấp”, tuy nhỏ nhưng lại giúp ca sĩ gây dựng danh tiếng từ từ để tạo sức bật. Tôi muốn nói đến 2 thị trường rất cởi mở là các nước Đông u và Nam Mỹ. Tuy nhiên, hình như không mấy nghệ sĩ của chúng ta nghĩ tới những nơi này” - nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Minh Đức nhận xét.
Theo Thùy Trang \ Người Lao Động
Bình luận (0)