Trẻ bắt chước truyện tranh để tự nhổ răng tại nhà

02/07/2016 21:03 GMT+7

Một cậu nhóc 10 tuổi đã bắt chước cách nhổ răng bằng kẹo dẻo trên truyện tranh và thực hiện thành công khi nhổ được cái răng sâu của mình.

Và không phải đứa trẻ nào ở độ tuổi thay răng sữa cũng có thể tự xử lý với chiếc răng sâu của mình. Hầu hết trẻ em đều phải nhờ đến bố mẹ để nhổ răng cho mình cùng với nỗi sợ hãi.
Nhổ răng bằng kẹo ít đau vì... thích ngọt
Những cậu bé, cô bé tuổi thay răng thường có một nỗi sợ khi thấy có chiếc răng nào đó lung lay, đó là sợ nhổ răng.
Phụ huynh thường dùng chỉ nha khoa để nhổ răng cho con em mình - Ảnh minh họa Shutterstock
Phụ huynh thường dùng chỉ nha khoa để nhổ răng cho con em mình Ảnh minh họa Shutterstock
Với Hoàng Nam, cậu học sinh lớp 4, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Đắc Lắc), cũng sợ nhổ răng như nhiều em nhỏ khác. Mỗi lần có cái răng nào rụng, mẹ của em đều cột chỉ vào rồi giật ra. Trước khi mẹ giật răng ra, Nam rất sợ nhưng cố gắng giữ bình tĩnh hết mình.
Vậy mà, thời gian gần đây, cậu đọc được cách nhổ răng bằng kẹo dẻo gọn lẹ trong truyện cười. Thấy có một cái răng lúc lắc, Nam liền thử ứng dụng cách nhổ răng trong truyện cười.
Cậu dùng một cái kẹo dẻo cho vào tủ lạnh. Đến khi kẹo cứng thật cứng thì lấy ra, dùng răng sâu cắn thật mạnh. Đến khi giật cái kẹo ra, cái răng sâu cũng dính luôn vào cục kẹo.
Nam kể: “Nhổ răng kiểu đó em không thấy sợ gì cả. Kẹo lại ngọt, thế là chỉ cảm giác hơi đau tí xíu”.
Vậy là từ nay Nam không còn sợ nhổ răng nữa vì đã có “bí quyết” của riêng mình. Nhưng với Nam, cậu tiếc là “không giữ được cái răng lại làm kỷ niệm vì nó dính cứng vào kẹo”.
Hầu hết trẻ khi bị thấy có răng lúc lắc đều phải nhờ đến bố mẹ dẫn đi nha sĩ hoặc chính bố mẹ dùng tay hoặc chỉ nha khoa để nhổ răng cho con.
Các nha sĩ cho rằng cách tốt nhất để nhổ răng sâu là để răng sữa tự rụng hoặc khích lệ trẻ “tự xử” cái răng. Răng sữa bị lúc lắc thường rụng dễ dàng khi trẻ hay lấy tay chơi.
Nếu trẻ không bị đau răng khi có cái răng nào đó lúc lắc, bố mẹ chỉ cần cho con thức ăn gì đó cứng và dính để trẻ cắn vào như một cách nhổ răng. Đó có thể là bắp nổ, hạt hoặc bánh mì với bơ đậu phộng,...
Khi răng sữa dường như không nhúc nhích gì và trẻ trở nên chán nản thì bố mẹ mới can thiệp. Thường thì răng sữa chưa đến lúc rụng bố mẹ chưa nên nhổ sớm mà chờ tới khi nó tự rụng.
Nhổ răng bằng những cách “thót tim”, bé vẫn thích thú
Mới đây, cô bé 6 tuổi Mila Freiheit sống ở thành phố Montreal, Canada, được bố mình là ông David nhổ răng nhờ những chú sóc trong một công viên gần nhà.
Ông David dùng sợi dây chỉ nha khoa, một đầu cột vào răng của Mila, đầu kia cột vào mồi. Bé Mila ngồi trên ghế đá, chờ đợi những chú sóc háu đói tới ăn mồi.
Nhiều bé chờ đợi nhổ răng để được “Cô tiên răng” cho tiền - Ảnh minh họa Shutterstock
Nhiều bé chờ đợi nhổ răng để được “Cô tiên răng” cho tiền. Ảnh minh họa Shutterstock
Sau vài phút, cuối cùng, một chú sóc nhảy tới đớp miếng mồi đi, kéo luôn 2 cái răng cửa bị sâu của cô bé. Cô bé Mila tỏ ra thích thú và cười suốt trong khi được bố cho vào công viên nhổ răng.
Và đó cũng là lần đầu tiên người ta biết đến cách nhổ răng bằng những chú sóc. Trước đó, hai cha con này từng nhổ răng bằng “tên lửa nước” (dùng chai nước làm tên lửa) hay nhờ chó, mèo để kéo răng sâu bật ra.
Hay “bá đạo” hơn, một ông bố khác ở bang Virginia, Mỹ, lại dùng máy bay trực thăng động cơ gần 1.000 mã lực để nhổ răng cho con vào tháng trước.
Một điều lạ lùng là cậu nhóc được nhổ răng vẫn ngồi yên chờ bố khởi động máy. Sau khi cái răng bị kéo phăng đi, cậu đứng dậy nhảy lên vui mừng.
Những ông bố này đã nhổ răng cho con bằng những biện pháp khiến người khác “thót tim” nhưng với con cái họ, đó là trò chơi đầy thích thú. Với những cách này, dù trẻ có tỏ ra thích thú, phụ huynh ở Việt Nam cũng không đủ can đảm để thử.
Thích nhổ răng vì được “cô tiên răng” tặng tiền
Với Trần Gia Linh, học sinh lớp 1, Trường tiểu học Long An (Đồng Nai), mỗi lần chuẩn bị được người thân dẫn đi nha sĩ nhổ răng lại tỏ ra vui vẻ lắm.
Gia Linh còn hào hứng muốn được bác sĩ nhổ răng nhanh nhanh. Sở dĩ không sợ nhổ răng vì mẹ của bé Gia Linh nói rằng, cứ có một cái răng sâu rụng khỏi hàm, gói nó vào giấy, cất dưới gối trước khi ngủ thì sáng ra sẽ nhận được... tiền của cô tiên răng.
Vì muốn con đi ngủ sớm, mẹ của Gia Linh còn nói với em cô tiên răng chỉ đến khi con nít chịu đi ngủ sớm, ngủ trễ thì cô tiên răng không hiện ra được.
Vậy là, mỗi lần dẫn Gia Linh đi nhổ răng, người thân của bé không phải lo lắng hay phải dỗ dành em. Mỗi khi có cái răng nào bị nhổ đi, sáng hôm sau, Gia Linh lại thức dậy với vẻ mặt hớn hở, cười tủm tỉm với bọc giấy gói răng và tờ tiền của cô tiên răng trên tay. Con heo đất của Gia linh nhờ mấy cái răng sâu của em mà “mập” lên được chút ít.
Những cô cậu lên 6 tuổi là thời điểm bắt đầu thay răng - Ảnh minh họa Shutterstock
Những cô cậu lên 6 tuổi là thời điểm bắt đầu thay răng Ảnh minh họa Shutterstock
Theo một khảo sát nhỏ của Tạp chí Parents cách đây vài năm, hầu hết “cô tiên răng” ở Mỹ thường cho trẻ 1 USD hoặc đồng xu ở dưới gối. Và cô bé Mila được bố nhổ răng bằng những chú sóc thích thú vì được “cô tiên răng” tặng tới 10 USD từ 2 cái răng sâu, gấp đôi số tiền cô bé thường nhận được.
Những lưu ý xung quanh cái răng sữa của con
Theo Tạp chí Parents (Tạp chí hàng đầu của Mỹ dành cho bố mẹ), trẻ bắt đầu thay răng sữa khi lên 6 tuổi. Mỗi năm sẽ có 3 – 4 cái răng rụng đi cho đến khi trẻ thay đủ 20 cái lúc 12 tuổi. Phần lớn trẻ em đều bị căng thẳng khi đi nhổ răng vì sợ đau hoặc không thể ăn được sau khi nhổ răng. Vì vậy cha mẹ nên dỗ dành con lúc này để con không phải sợ.
Hầu hết trẻ em đều bị rụng răng cửa phía dưới đầu tiên, sau đó mới tới các răng ở trên và trong cùng. Nếu các bé bị rụng răng ở hàm trên hoặc răng phía trong đầu tiên thì phải đi gặp nha sĩ.
Các nha sĩ cũng khuyên rằng, không nên giật mạnh hay nhổ răng sâu sớm vì sẽ khiến trẻ đau nhiều và dễ bị nhiễm trùng nướu. Hầu hết trẻ em đều thích dùng tay (tay sạch) để chơi với cái răng lúc lắc trong miệng và điều đó giúp răng nhanh rụng hơn mà không gây đau đớn.
Và nếu trẻ nuốt phải răng vào bụng thì cũng không sao vì nó sẽ bị thải ra sau đó miễn là phụ huynh trấn an con, “cô tiên răng” sẽ lấy nó ra khỏi bụng.
Những trường hợp nhổ răng sớm, khi chưa đủ “độ lúc lắc” thường khiến trẻ bị chảy máu nhiều. Nếu răng rụng một cách tự nhiên sẽ ít bị chảy máu. Trẻ được khuyên ngậm nước muối sau đó. Nếu trẻ bị chảy máu nhiều, nên cho trẻ cắn vào gạc hoặc khăn sạch để cầm máu.
Khoảng sau vài tuần nhổ răng sẽ thấy các đường vân của răng mới xuất hiện. Sau vài tháng thì chiếc răng mới sẽ phát triển đầy đủ. Phụ huynh được khuyên kiểm tra khi răng vĩnh viễn mọc lệch so với các răng khác, hay bị méo hoặc đổi màu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.