Trẻ con làm ồn trong quán cà phê: Chắc phải 'đánh đòn' cha mẹ?

17/12/2022 12:12 GMT+7

Phải nói ngay rằng "đánh đòn” này không phải là đòn roi mà là những ánh mắt sắc lẹm từ những người xung quanh hướng về các bậc làm cha làm mẹ “lười biếng” chơi với con. Không phải ngẫu nhiên mà một quán cà phê ở Đà Nẵng đã mạnh dạn thông báo không nhận khách là trẻ em dưới 12 tuổi.

Câu chuyện một quán cà phê để thông báo không nhận trẻ em dưới 12 tuổi vào quán để phục vụ đang thu hút tranh luận nhiều chiều: khen chê đúng sai, mọi người đều có lý của họ. Câu chuyện phân biệt đối xử của một hàng quán đối với trẻ em chắc hẳn cũng nên để cơ quan quản lý xem xét đúng sai, theo điều luật nào hay không? Thế nhưng cần phải nói ngay rằng: cha mẹ thời nay dường như “bó tay” trong cách quản lý con trẻ giữ trật tự ở một nơi công cộng (tiệc cưới, hàng quán ăn, cà phê, nhà hàng buffet…).

Những nơi công cộng khác như công viên, sân bóng, hồ bơi... là không gian mở, trẻ con theo thói quen hiếu động có thể tự do nô đùa, chạy giỡn. Thế nhưng ở một không gian kín thì mọi thứ sẽ rất khác. Tiếng ồn như đã biết sẽ vô tình làm ảnh hưởng không gian chung của nhiều người đang ở đấy. Họ cần thư giãn, họ cần trao đổi công việc, hay đơn giản nhất là "tôi cần yên tĩnh".

Dẫn con đi ăn sushi và thông điệp "ngồi yên" khi cùng trò chuyện, chọn món, nói về các món ăn lạ mà con lần đầu thưởng thức

T.T

Thật khó để trẻ con ngồi im trong độ tuổi đang nhổ giò, tuổi ăn tuổi lớn và hồn nhiên. Đứa trẻ đôi khi hành động theo bản năng, chúng muốn khám phá không gian mới nên chạy tùm lum tùm la. Nếu gặp bạn đồng trang lứa là ngay lập tức sẽ có “trò chơi mới” cùng nhau. Bắt ngồi yên thì rõ ràng là không nổi nhưng cách nào để giữ trẻ ngồi yên, không hét thật to, nói quá lớn thì phụ huynh lại không có kỹ năng ngoại trừ một "bảo bối": điện thoại, iPad. Cứ đưa điện thoại cho con, “hòa bình” lại trở về.

Vậy thì phải làm sao?

Tôi kể câu chuyện của chính nhà mình để các ông cha bà mẹ xem thử trong hoàn cảnh đó mình cần làm gì?

Nhà tôi thì hoàn toàn nói không với điện thoại cho con nít. Mỗi tuần chỉ cho con cầm điện thoại 30 - 60 phút (trong ngày nghỉ) hoặc thỉnh thoảng con cần tra cứu gì đó. Kỷ luật sắt này áp dụng từ nhỏ đến giờ 2 nhóc nhà tôi cũng đã lớp 5-6. Do vậy, đó là lý do hơn 10 năm nay từ lúc có con, cả nhà không bao giờ đi quán cà phê riêng trừ khi có bà con vào chơi, vào thăm. Nếu cha mẹ nào cứ hay quăng cho con điện thoại, thì không cần phải đọc tiếp.

Dẫn mọi người đi khám phá thành phố, nếu phải đến quán cà phê, tôi thường chọn một quán sân vườn, có không gian ngoài trời, hồ cá, suối chảy... càng tốt bởi nó tạo ra một khoảng không đủ lớn để con nít có thể khám phá thế giới quan của mình. Thứ hai, tiếng suối, tiếng nhạc về cơ bản là đủ ồn để át mất các âm thanh mà trẻ nhỏ tạo ra. Điều cuối cùng tôi nói với các con là: “Bon, Alex không chạy nhé, đi đứng cẩn thận không khéo va trúng người khác”.

Kêu đủ món cũng tương tự cách đi ăn buffet, bạn không thể để con tự do chọn lựa

t.t

Miệng nói thế thôi, nhưng mắt lúc nào cũng phải giám sát 2 đứa nhỏ nhà mình. Bởi đơn giản, ý thức an toàn của con, làm phiền người khác lúc nào cũng thường trực trong tôi. Thằng anh điềm đạm nên không bao giờ khiến tôi bận tâm, thằng em thì hiếu động và khi thấy nó vừa “tăng tốc” thì tôi cũng phi ra với ánh mắt căng như dây đàn (chắc nhìn dữ lắm): “Con không được chạy nữa. Về chỗ ngồi yên. Ở đây đông người như vậy sẽ trúng người khác”.

Sự cảnh báo, sự thỏa thuận với trẻ lúc này là quan trọng vì ít nhất nó được nhận một thông điệp trao đổi. Một là ngồi yên tại chỗ, buồn chán; hai là tự do thì phải từ tốn. Điều đó lập lại như một thói quen, và cũng đến lúc con bạn nhận ra rằng: chỗ nào nó cần được thể hiện điều gì.

À, mà nếu cha mẹ nào dẫn con đi cà phê mà mình chỉ ngồi cầm điện thoại, lướt Facebook thì theo tôi nên pha sẵn 2 ly cà phê, 2 ly sinh tố cho con rồi... cả nhà cùng vui, cùng uống tại nhà là hay nhất!

Điều đó cũng cần áp dụng trong tiệc cưới khi mà cô dâu chú rể chưa khai tiệc. Bạn phải có một thông điệp sắc: Chú rể chưa đưa cô dâu lên lễ đài, con phải ngồi yên để chúc mừng cô chú. Khi mọi thứ đã hoan hỉ, tiếng dzô dzô đã ầm ầm thì cũng là lúc lệnh cấm được dỡ bỏ. Bọn trẻ cần gặp nhau để chơi với nhau, còn cha mẹ thì có thể thoải mái trao nhau niềm vui, chúc tụng.

Khám phá quán phải hỏi trước nhân viên có được hay không... và phải luôn theo sát con cùng những thông điệp đưa ra

t.t

Còn một thứ cũng đau đầu lắm là đi ăn buffet, nơi mọi con mắt đều có thể nhìn vào con bạn. Đứa trẻ thì hồn nhiên khi cả chục món ăn bày ra, lúc ấy chỉ có cơn thèm ăn của nó là ngự trị. Mọi lời rao giảng đều là vô nghĩa. Sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh cậu bé vô tư lấy hết dĩa đồ ăn này mang về bàn, lại lon ton chạy ra lấy tiếp một dĩa khác đầy ắp kiểu như: Mang cả thế giới về bàn ăn nhà con.

Sẽ chẳng ai trách móc gì một đứa trẻ nhưng mọi người sẽ nhìn bạn đấy! Tin tôi đi, cái cảm giác đó sẽ bao trùm khiến bạn ăn uống không ngon miệng nữa, buổi đi ăn trở thành dài lê thê bởi các ánh mắt ấy cứ lần lượt ném vào mình, vào người cha người mẹ đang ung dung ngồi ăn.

Chọn những quán có không gian rộng rãi, thỏa thuận với con ngay từ đầu là ăn xong mới chạy chơi và cố gắng không chạy nhanh

t.t

Thế bạn phải làm gì?

Thật cũng khó nhưng khả dĩ nhất trong 3-5 lần đầu tiên cha mẹ nên cùng dẫn con đi lấy thức ăn. Vừa lấy vừa đưa thông điệp: “Ở đây con lấy mà ăn không hết sẽ bị phạt tiền, mà ba mẹ thì không còn đủ tiền rồi vì mua vé cả triệu bạc khi nãy”. Thông điệp quan trọng hơn cả cần nhấn mạnh, con lấy mà ăn thừa thì sẽ vô cùng lãng phí bởi: “Hạt gạo làng ta/Có bão tháng bảy/Có mưa tháng ba/Giọt mồ hôi sa…”. Món gì làm ra dù chỉ là một hạt cơm thì bác nông dân cũng phải vất vả cày cấy… Thông điệp lãng phí, thông điệp bị phạt và hãy chịu khó đi cùng các con trong việc lấy thức ăn. Chưa kể, nếu bạn có thêm kiến thức về dinh dưỡng, bạn có thể tư vấn cho con mình: món này mỡ lắm, tuổi con khó hấp thu. Hoặc như: mới ăn món đạm (thịt heo, đùi gà) xong rồi con cần ăn một chút rau cải cho cân bằng lại để lát ăn tiếp món khác... Cách này tôi áp dụng và đi đến lần thứ 6 thì trên bàn không còn một miếng đồ ăn thừa nào cả. Nếu có dư đôi chút, thì hai vợ chồng sẽ cố ăn cho hết để làm gương cho con.

Quan trọng nhất, chính cha mẹ phải làm gương cho con là lấy vừa đủ, không bao giờ “mang cả thế giới về bàn mình”.

Hàng quán không gian kín, cần sự kiên nhẫn của cha mẹ và cùng chơi với con

t.t

Cha mẹ sẽ không có kỷ luật sắt và kỹ năng như thầy cô ở trường khi: tại sao một đứa trẻ 3-5 tuổi có thể tự ăn, có thể không làm ồn trong lớp học. Thế nhưng cha mẹ cũng có “kỹ năng” mềm của riêng mình. Yêu thương thì không đồng nghĩa với nuông chiều, thụ hưởng dịch vụ khi bỏ tiền ra không đồng nhất với việc mình và con (mặc nhiên được phép) sẽ thoải mái làm gì thì làm. Quan trọng nhất là: cha mẹ không được “làm biếng” khi đi cùng con, tạo ra những thông điệp, đồng hành và đó cũng là bài học cuộc sống cho các con. Nếu không làm được thì theo tôi, chính cha mẹ nên bị "đánh đòn" làm gương.

Poll TNO
Quán cà phê không nhận khách dưới 12 tuổi

Cha mẹ nào có cách hay xin cùng chia sẻ thêm!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.