Tại cuộc họp phổ biến những quy định mới về bảo vệ trẻ em trên xe ô tô trong luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn ra vào chiều 15.11, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông thuộc Cục CSGT Bộ Công an, đã trao đổi nhiều vấn đề về an toàn cho trẻ em.
Theo đại tá Nhật, luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực vào 1.1.2025 có nhiều quy định liên quan đến việc bảo vệ trẻ em và người yếu thế tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, tại khoản 4, điều 4 của luật này quy định tạo thuận lợi cho trẻ em và những người yếu thế trong tham gia giao thông đường bộ; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành luật khi tham gia giao thông đường bộ.
Ở khoản 3, điều 10 của luật cũng quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em. Cụ thể khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên xe ô tô thì không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái, trừ loại xe ô tô chỉ có 1 hàng ghế. Đồng thời, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ.
Tuy nhiên, quy định này có hiệu lực thi hành từ 1.1.2026, bởi cần thời gian chuẩn bị các phương án, quy chuẩn.
Điều 46 của luật quy định về điều kiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh. Cụ thể, xe ô tô kinh doanh vận tải chở đối tượng này phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ và thiết bị có chức năng cảnh báo nhằm tránh bỏ quên trẻ trên xe... Điều này cũng quy định số lượng và trách nhiệm của người quản lý trên xe, tùy từng phương tiện.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Kim Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương Trường đại học Y tế công cộng, đã công bố những số liệu và kết quả nghiên cứu thể hiện tỷ lệ người dân Việt Nam dùng thiết bị bảo đảm an toàn cho trẻ em trên ô tô là rất thấp. Từ đó, ông Tuấn đồng thuận và cho rằng cần có những thiết bị này để bảo đảm an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe ô tô, tránh để xảy ra sự cố rồi mới hối hận.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết luật quy định là các phương tiện chở trẻ em, nên dù xe cá nhân hay công cộng đều phải tuân thủ và dùng các thiết bị an toàn cho trẻ, song quá trình thực hiện vẫn cần lộ trình.
Theo Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, một số nhận định cho rằng bố mẹ muốn ôm con trên xe, việc này an toàn ngang với các thiết bị, nhưng khi thực nghiệm bằng các thiết bị tân tiến thì cho kết quả ngược lại.
"Ở tốc độ 30 km/giờ với trẻ nặng 10 kg thì lực quán tính lên tới 150 kg, người mẹ gần như không thể giữ con mình và nếu va chạm ở tốc độ 60 km/giờ thì lực quán tính lên tới 300 kg, người lớn còn không giữ nổi mình chứ không nói đến trẻ em", ông Minh lấy ví dụ để nhấn mạnh tầm quan trọng khi sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô.
Bình luận (0)