Báo cáo của cơ quan chức năng cho biết chỉ riêng H.Kỳ Sơn (Nghệ An), 3 năm trở lại đây, mỗi năm có xấp xỉ 200 trường hợp tảo hôn. Điều đáng nói là số cặp tảo hôn có xu hướng gia tăng, năm sau nhiều hơn năm trước. Nhiều trường hợp trẻ em nữ kết hôn ở tuổi 13 - 14 , nam kết hôn ở tuổi 15 - 16.
Cứ sau dịp Tết Nguyên đán, được nghỉ học dài ngày, nhiều học sinh ở bậc THCS tranh thủ cưới vợ, lấy chồng và trong số đó rất ít trường hợp quay trở lại trường để học tiếp.
Tiếp xúc với những "cô dâu", "chú rể" đang tuổi học sinh, tôi không hình dung được ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy làm sao các em có thể gánh vác được vai trò của mình.
Những cặp vợ chồng trẻ em này tỏ ra hồn nhiên và không ngại ngùng trả lời "các bạn em cũng như thế" khi được hỏi vì sao lại lấy vợ, lấy chồng sớm như vậy.
Bắt vợ là phong tục đã tồn tại lâu đời ở đồng bào vùng cao và hiện đang bị lạm dụng để "hợp thức hóa" cho nạn tảo hôn. Các cặp tảo hôn hiện nay hầu hết đều là kết hôn tự nguyện, thích nhau rồi tự tạo ra màn "bắt vợ" để cưới nhau.
Tỉnh Nghệ An đã có đề án chống tảo hôn, thực hiện từ năm 2015 đến nay với sự vào cuộc của nhiều ngành, đoàn thể, nhưng việc tuyên truyền đã không tạo được hiệu quả như mong muốn. Có khá nhiều ông bố, bà mẹ không đồng tình với việc con mình kết hôn quá sớm, nhưng không dám ngăn cản vì sợ con nghĩ quẩn làm liều. Chính quyền địa phương một số xã ở H.Kỳ Sơn đã buộc học sinh, bố mẹ cam kết không để con kết hôn dưới 18 tuổi, nhưng ký xong, nhiều em vẫn vi phạm. Luật pháp đã quy định quan hệ tình dục với trẻ em là phạm pháp. Nhưng một số trường hợp lờ đi, không áp dụng pháp luật cho các trường hợp này tưởng chừng là nhân văn nhưng xét ở góc độ nào đó là đồng lõa với nạn tảo hôn.
Bình luận (0)