Trẻ em mưu sinh trên công trường xây dựng

10/02/2015 08:42 GMT+7

Vì hoàn cảnh gia đình, nhiều trẻ em đã phải từ quê lên thành phố mưu sinh. Có em phải vào làm thuê ở các công trường xây dựng, bất chấp luật lao động và những rủi ro.

Vì hoàn cảnh gia đình, nhiều trẻ em đã phải từ quê lên thành phố mưu sinh. Có em phải vào làm thuê ở các công trường xây dựng, bất chấp luật lao động và những rủi ro.

Nhiều trẻ vất vả mưu sinh trên công trường xây dựng Nhiều trẻ vất vả mưu sinh trên công trường xây dựng - Ảnh: Trần Hồ
 
Mưu sinh “chui”
Tại các công trường xây dựng ở Hà Nội, ngoài những công nhân chuyên nghiệp, thợ lành nghề còn có những lao động có độ tuổi dưới 18. Họ đến từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc. Có những em là người dân tộc thiếu số ở vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu…Hầu hết các em đều có điều kiện kinh tế khó khăn, lại sinh ra trong gia đình nhiều anh chị em, nên phải bỏ học giữa chừng, đi làm thuê để phụ giúp bố mẹ.
Nhiều em cũng ý thức độ tuổi của mình chưa được phép lao động, đặc biệt là với những ngành đặc thù nên đã khai man tuổi tác để được vào làm việc tại các công trường. Bên cạnh đó, những người tuyển dụng cũng bất chấp luật lao động nên còn yêu cầu các em không tiết lộ thân phận, tuổi tác của mình. Nếu tiết lộ, các em sẽ không được làm việc…Tại các công trường các em được quản lý, giám sát rất chặt chẽ, chỉ có người thân mới được gặp gỡ, hoặc qua giới thiệu của các em thì mới được cho vào.
Tại một công trường xây dựng ở Q.Cầu Giấy, trong lúc hỏi thăm về việc làm, nơi ăn ở… nhiều em không dám trả lời, vì bên cạnh luôn có những “đàn anh” không muốn các em tiếp xúc với “người lạ”.
Sinh ra tại X.Tân Lĩnh, H.Lục Yên, Yên Bái, Thương Văn Lương, năm nay 16 tuổi, dân tộc Dao, với thân hình nhỏ bé, cao chưa đến 1m3 nhưng đã phải làm phụ hồ từ nhiều năm nay. Lương tâm sự: “Gia đình em nghèo lắm, khi học hết lớp 5 em phải nghỉ học nhưng chẳng biết làm gì, chỉ ở nhà chăn trâu, đi lên nương hoặc đi kéo gỗ ở rừng về bán. Sau đó, em xuống Hà Nội xin đi làm phụ hồ”. Mặc dù học đến lớp 5 nhưng Lương thậm chí không biết đọc, biết viết, biết tính toán, mỗi lần nhận tiền lương, hoặc mua gì, gửi tiền về nhà cũng phải cần đến bạn bè.
Sống cùng quê với Lương, Lý Văn Tươi, dân tộc Dao, sinh ra trong gia đình nhiều anh em, kinh tế khó khăn nên cũng phải phải bỏ học giữa chừng, xuống Hà Nội kiếm sống. Tươi kể: “Gia đình nghèo nên em phải nghỉ học khi đang học lớp 9, để phụ giúp bố mẹ. Em cũng nhớ nhà lắm, nhưng không dám về vì sợ tốn tiền”.
Nhọc nhằn nơi phố thị
Tại các công trường, công việc của các em cũng rất nặng nhọc, từ việc phụ hồ, bốc gạch đến san mặt bằng, khoan bê tông, dọn vệ sinh… Những em mới vào làm chưa quen việc đã gặp rất nhiều khó khăn.
Lương chia sẻ: “Lúc mới làm việc, em bị xi ăn tay chân rất đau, hoặc phồng tay vì làm nặng. Đêm về, đau không ngủ được…” Các em còn phải làm việc trong thời gian rất dài, từ 6 giờ 30 đến 11 giờ mới được nghỉ trưa, buổi chiều từ 14 giờ đến 17 giờ 30, không kể mùa hè hay mùa đông.
Mặc dù vất vả là vậy nhưng mỗi ngày các em chỉ được trả công từ 130 - 150.000 đồng. Tuy nhiên, với các em đó là một số tiền khá cao, còn hơn ở nhà chỉ biết chăn trâu, cắt cỏ hay lên rừng với bố mẹ.
Tại công trường các em phải làm việc không được nghỉ tay, có khi còn bị hối thúc. Mặc dù trời mùa đông nhưng trên khuôn mặt Lương, mồ hôi lúc nào cũng vã ra vì lao động quá sức. Thế mà khi được hỏi, Lương vẫn nói: “Em thấy làm ở đây bình thường, ở nhà làm khổ hơn nhiều, phải lên rừng kéo gỗ, phải lên nương cuốc đất, làm sắn, làm ngô ... mà không có tiền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.