Trẻ em thích nhạc người lớn

10/01/2016 08:00 GMT+7

Trên nhiều diễn đàn, câu chuyện về trẻ em thời nay chỉ nghe và hát các ca khúc người lớn thu hút sự quan tâm của dân mạng.

Trên nhiều diễn đàn, câu chuyện về trẻ em thời nay chỉ nghe và hát các ca khúc người lớn thu hút sự quan tâm của dân mạng.

Được hát những ca khúc thiếu nhi với ca từ ý nghĩa sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ	- Ảnh: ShutterstockĐược hát những ca khúc thiếu nhi với ca từ ý nghĩa sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ - Ảnh: Shutterstock
Sốc !
Trên trang sotaychame.com, thành viên zetafashion kể con mình ở nhà chỉ mới 7 tuổi nhưng hay hát các ca khúc như: Mình yêu nhau đi, Rằng em mãi ở bên, Vợ người ta… “Thấy có điều gì đó bất ổn thì phải”.
Chia sẻ này đã nhận được hơn 60 bình luận. Phần lớn đều cho biết đây là chuyện chẳng của riêng ai. Thành viên blood60 kể thêm: “Con tôi đang học lớp 2, cũng suốt ngày nghêu ngao những bài hát có ca từ về tình yêu, chia tay, sự đau khổ dằn vặt”.
Cũng liên quan chủ đề này, trên diễn đàn lamchame.com, thành viên Song Nhi viết: “Cảm thấy sốc khi một lần mở karaoke cho cả gia đình hát. Con trai đang học lớp 3 chỉ chọn những ca khúc: Bình minh sẽ mang em đi, Người ấy, Đâu phải em chưa từng...”.
Nhiều thành viên đã thừa nhận con họ cũng vậy, khi cha mẹ hỏi về những ca khúc thiếu nhi thì chúng đều lắc đầu không biết, nhưng lại kể rành mạch các ca sĩ trẻ hiện nay, danh sách những bài hát đang được yêu thích nhất và thuộc làu làu.
Mới đây, MC Thanh Thảo cũng cho biết trong một sự kiện tại một trường tiểu học ở Q.4 (TP.HCM), khi hỏi “thích nghe nhạc gì?”, rất nhiều câu trả lời là “thích nhạc Sơn Tùng M-TP”, “thích nghe các ca khúc của ca sĩ Hồ Quang Hiếu”…
“Cảm thấy sốc vì những ca khúc gắn liền với các ca sĩ chuyên hát nhạc thiếu nhi như Xuân Mai, Bảo An… không hề được nhắc đến”, MC Thanh Thảo bộc lộ.
Trên Facebook, thành viên Nguyệt Hằng than thở: “Đã nhiều lần cấm con không được nghe những bài hát người lớn nữa. Chỉ mở những ca khúc thiếu nhi như: Nhà mình rất vui, Bông hồng tặng cô, Em là hoa hồng nhỏ, Ước mơ con nhỏ bé... thì con lại giận dỗi, nói không thích nghe”.
Ảnh hưởng đến sự phát triển
Chính vì những điều này đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại. Trên trang lamchame.com, thành viên Yen Le cho biết: “Chẳng hiểu vì sao trẻ em thời nay lại thích thú với nhạc người lớn như vậy nữa”. Còn thành viên Quốc An thì: “Thấy lo vì không biết việc nghe và hát những ca khúc yêu đương như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ không?”.
Theo tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (TP.HCM), việc trẻ em thích các ca khúc dành cho người lớn là điều đáng quan tâm, lo ngại. “Sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển tâm lý, nhận thức, nhân cách của trẻ. Ban đầu trẻ hát theo vì thích giai điệu, nhưng sau đó khi nghe nhiều, hát theo nhiều sẽ ảnh hưởng đến cơ chế tâm lý, những ca từ sẽ tác động đến hành vi, khiến hành vi giới tính sẽ phát triển sớm hơn, sẽ có những ứng xử không phù hợp, lệch lạc so với lứa tuổi. Nếu như được nghe những ca khúc thiếu nhi với ca từ ý nghĩa, trong sáng thì đó sẽ là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn các em trong suốt quá trình phát triển sau này. Sẽ là điều rất đáng tiếc nếu các em không được hát những ca khúc theo đúng lứa tuổi của mình”, tiến sĩ Quân nói.
Còn nhạc sĩ Dương Khắc Linh (TP.HCM) cũng thừa nhận hiện nay trẻ em VN khá thiệt thòi vì các ca khúc thiếu nhi có chất lượng không tốt, dẫn đến việc trẻ không muốn nghe, có rất ít các ca khúc chất lượng. Chính vì thế, giới nhạc sĩ cần phải đầu tư để sáng tác nhiều hơn những bài hát có ca từ phù hợp với trẻ em.
Nhiều phụ huynh phân vân liệu có thể cấm đoán con, không cho con nghe và hát theo, tiến sĩ Quân cho rằng: “Không thể nào cấm trẻ được. Tuy nhiên có thể hạn chế bằng cách cho con tham gia các hoạt động giải trí, vui chơi phù hợp với lứa tuổi. Và trẻ em cần được hướng dẫn những ca khúc dễ thương, trong sáng”.
Bình luận
* “Thực trạng trẻ em hát nhạc quá tuổi là câu chuyện đáng buồn hiện nay. Phải chăng những ca khúc có ca từ phù hợp với các trẻ em ngày càng hiếm hoi”. (Minh Quang/Facebook)
* “Có cả trường hợp dù trẻ chưa biết chữ, nhưng vì thường xuyên được bố mẹ mở nghe các bài hát người lớn nên trẻ có thể thuộc và hát lại. Nên người lớn cũng có lỗi trong chuyện buồn này”.(thanhtannguyen/lamchame.com)
* “Đã đến lúc phải đầu tư một cách nghiêm túc để có thêm những ca khúc thiếu nhi chất lượng. Nếu không có được ca khúc hay thì tình trạng trẻ hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi sẽ vẫn còn tiếp diễn”.(Quynh Anh/Facebook)
* “Trẻ hát nhạc người lớn thì tác động không tốt đến thị hiếu và ý thức thẩm mỹ. Tiếng hát không phù hợp độ tuổi đã đánh mất vẻ hồn nhiên và thơ ngây vốn có của trẻ”. (mecubin/sotaychame.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.