Trẻ em Việt Nam có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng

Thu Hằng
Thu Hằng
24/08/2022 17:26 GMT+7

Tại Việt Nam, có 89% trẻ em từ 12 - 17 tuổi sử dụng internet, nhưng chỉ có 36% nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng.

Đây là thông tin được đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) chia sẻ tại hội nghị tập huấn “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” do Cục Báo chí (Bộ TT-TT) tổ chức ngày 24.8.

Trẻ em sử dụng internet, mạng xã hội rất phổ biến

ĐỘc Lập

Chia sẻ về tình hình trẻ em sử dụng internet tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, cho hay báo cáo nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại ở Việt Nam do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) và ECPAT quốc tế thực hiện mới đây cho thấy, có 89% trẻ em từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet trong 3 tháng trước khảo sát. Trong số này, có 87% em sử dụng internet hàng ngày. Tuy nhiên, nhưng chỉ có 36% (hầu hết là trẻ em 16 - 17 tuổi) nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng.

Bà Nga chia sẻ: “Internet và mạng xã hội đã đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin… Tuy nhiên, mạng xã hội cũng gây ra những tác động tiêu cực cho trẻ em như tiếp cận thông tin giả, truy cập vào trang xấu độc, nghiện sử dụng mạng xã hội và nhiều nguy cơ rình rập khác…”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ em Việt Nam có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng. Đáng chú ý, có 1% trẻ bị dụ dỗ gửi ảnh, video về bộ phận nhạy cảm; 1% trẻ em bị chia sẻ ảnh nhạy cảm mà không được sự đồng ý; 2% trẻ bị yêu cầu về trò chuyện tình dục...

Đại diện Cục Trẻ em cho biết, trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và cẩm nang số về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự quan tâm của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Về phía gia đình, cha mẹ và trường học, bà Nga đề nghị cần tăng cường vai trò trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng, cũng như cách nhận biết các thông tin, video, clip độc hại, không phù hợp. Cha mẹ chính là người “gác cổng” áp dụng các biện pháp để chủ động bảo vệ con.

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Bộ TT-TT), cho biết hầu như không có trẻ em nào bị bóc lột, xâm hại tình dục qua mạng sử dụng cơ chế trình báo chính thức để trao đổi với công an hay đường dây nóng hỗ trợ và phần lớn không kể lại sự việc với người chăm sóc.

Vì vậy, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết. Để tránh rủi ro cho trẻ em, cha mẹ nên cài đặt một số ứng dụng theo dõi, giám sát, hỗ trợ; dạy trẻ cách đảm bảo an toàn và nhận biết cách phòng tránh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.