Ngày còn ở Việt Nam, những gì tôi học được về môi trường là thông qua... những bài đọc tiếng Anh, tôi được biết môi trường thế giới hiện nay đang bị ô nhiễm, trái đất đang nóng dần lên và mực nước biển dâng cao có thể nhấn chìm tất cả. Ngoài ra, tôi không biết gì hơn.
Ngược lại, con gái tôi, đang học lớp 4 ở Pháp, được học về thiên nhiên từ rất sớm.
tin liên quan
Trẻ em Việt bất ngờ khi người Pháp dạy ngoại khóa siêu thực tếKhi đã ra đến biển xa, thầy sẽ thả cho các trò tự mình điều khiển với con thuyền. Mỗi đứa trôi theo một hướng tuỳ thích, thầy sẽ đi vòng vòng để theo dõi và can thiệp kịp thời.
Cháu không ngồi nguyên trong lớp nghe thầy giảng về những kiến thức xa xôi ngoài tầm hiểu biết, ngược lại, cháu và các bạn được thầy đưa tới vườn thực vật.
Đây là một cơ sở giáo dục của thành phố, rộng 1.5 ha, có cảnh quan và hệ sinh thái đa dạng, bao gồm ao, hồ, vườn rau, vườn hoa, và một dãy “hàng rào tự nhiên" - được tạo ra bởi rất nhiều loại cây khác nhau, ở giữa là một lối đi nhỏ. Các cháu đến đây để chơi mà học, học mà chơi.
|
Để tìm hiểu về các loại động vật và thực vật trú ngụ ở “hàng rào tự nhiên" này, cô giáo tổ chức một trò chơi rất hay.
Cô bảo ở khu sinh thái này có một bà phù thuỷ sinh sống, bà muốn nấu món súp phù thuỷ, nhưng còn thiếu nguyên liệu. Đáng tiếc hơn, tờ công thức món ăn của bà đã bị xé ra làm 4 phần, bị giấu ở 4 nơi khác nhau.
Giờ phải chia thành 4 nhóm để đi tìm, sau đó ghép lại, rồi lại đi tìm nguyên liệu để về nấu súp. Việc tìm nguyên liệu cũng không đơn giản, vì nấu súp cho phù thuỷ mà, các chỉ dẫn cũng được giấu ở khắp nơi, các bạn nhỏ cứ như đang được chơi trò giải câu đố và đi tìm kho báu vậy.
Khi học về ao hồ, mọi người cùng thảo luận về tác dụng của nó, cũng như các loại côn trùng, thực vật có thể tìm thấy ở ao hồ và tác dụng của chúng. Sau đó cùng nhau ra hồ để xem mình có thể tìm thấy những thứ đã viết lên bảng hay không.
Cô giáo hướng dẫn các bạn cách dùng vợt để bắt côn trùng, từng bước rất tỉ mỉ để không làm hại tới những sinh vật này, ví dụ sau khi vợt xong đổ vào hộp như thế nào, sau đó lại rửa lại vợt thế nào để trả những con côn trùng còn sót lại trong vợt về lại hồ.
Có lúc cô bắt được con gì đấy biết bò (nói chính xác là một cục đen đen biết bò) liền truyền tay cho học trò xem. Cả lũ nhao nhao lên cho cái cục đen đen đấy bò lổm ngổm trên tay mình và vô cùng thích thú.
|
Sau đó, bọn trẻ được tự tay cầm vợt thực hành, chúng hào hứng gọi tên các con vật tớ bắt được con này con kia, ý ới gọi nhau lại xem. Nếu có con gì không biết tên, thì đã có bảng tra cứu cô phát cho rồi.
Sau buổi học, tất cả học sinh phải viết báo cáo. Bọn trẻ được giao chọn và vẽ lại 1 con côn trùng mà chúng đã nhìn thấy, rồi ghi lại một số đặc điểm cũng như công dụng của những loài này.
Đây không phải là lần đầu tiên bọn trẻ được tới khu sinh thái. Mỗi năm bọn chúng đều được đến đây 2 lần, kể từ khi bắt đầu vào mẫu giáo năm 3 tuổi.
|
Mỗi lần đến là một bài học khác nhau, mức độ phức tạp tăng dần, nhưng tất cả đều hướng tới một mục đích: giúp cho bọn trẻ hiểu về môi trường sinh thái, trở nên gần gũi và yêu thiên nhiên, dần dần hình thành nên ý thức bảo vệ môi trường.
Chúng hiểu được rằng mỗi thứ xuất hiện trên trái đất này đều có vai trò và tác dụng riêng, vì thế cần được bảo vệ. Ở các lớp mẫu giáo, vào mùa xuân cô giáo cho cầm xẻng, cầm ben ra vườn xới đất để tìm ...ốc sên và giun đất.
Sau đó cô nuôi ốc sên trong 1 cái hộp, bọn trẻ mỗi lần đến lớp lại xúm xít vào xem như nuôi thú cưng trong nhà. Giun đất thì cô thả ra bò giữa nền nhà, bọn nhóc ngồi quanh và xem chẳng chút sợ hãi.
|
Được giáo dục như thế nên người dân ở đây rất ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác, bảo vệ các loài động thực vật, đến con ong, con kiến cũng không giết.
Còn tôi, một con mọt sách thời học sinh, cứ tưởng rằng bảo vệ môi trường là việc của chính phủ, của các vị lãnh đạo, của các cơ sở doanh nghiệp. Tôi sợ hãi những con côn trùng, và sẵn sàng đập chết một con ong vo ve trước mặt để không bị nó đốt, trong khi người Pháp họ sẽ không làm như vậy.
Sau nhiều năm, tôi đã hiểu rằng mình cũng có thể đóng góp bằng cách không dùng túi ni-lon, nghiêm túc phân loại rác và vứt rác đúng chỗ, tái sử dụng các đồ vật trong nhà.
Tôi dùng làn hoặc túi vải canvas để đi chợ, trông còn thời trang và sành điệu hơn một lố túi ni-lon. Tôi dạy con không vứt rác bừa bãi, nếu không tìm thấy thùng rác thì mang về nhà vứt.
Thay vì mua lọ mới, tôi dùng lọ sốt cà-chua để đựng mật ong. Tôi dùng giấy đã in một mặt cho con vẽ, thay vì lấy 1 tờ giấy mới trắng tinh. Tôi chọn mua nước ở cửa hàng có ly giấy thay vì ly nhựa.
Vì thế tôi nghĩ, việc bảo vệ môi trường hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta, nếu chúng ta biết và làm đúng cách.
Bình luận (0)