Trẻ học làm người từ chính hành động của chúng ta và môi trường xung quanh

21/10/2022 15:00 GMT+7

Hơn cả những bài học trong sách giáo khoa, việc để trẻ quan sát, học tập từ hành động của người xung quanh, đi kèm với đó là sự đồng hành, hướng dẫn đúng đắn của thầy cô, cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, lớn lên trở thành người ham học hỏi, hiểu biết và sẵn sàng đương đầu với những thử thách.

Cha mẹ là hình mẫu

Trẻ em thường có thói quen quan sát và bắt chước hành động của người lớn mà trước tiên là những người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Vì vậy có thể nói, lối sống, cử chỉ, hành vi cũng như cách dạy dỗ của cha mẹ sẽ quyết định một phần việc đứa trẻ lớn lên trở thành người như thế nào.

Như vậy, hơn ai hết chính phụ huynh phải luôn có ý thức về một lối sống lành mạnh, biết cách kiểm soát hành động, lời nói, cũng như cảm xúc cá nhân trong mọi hoàn cảnh, để tạo những ảnh hưởng tích cực lên con trẻ.

Cha mẹ nên tạo mối quan hệ thân thiết, đồng hành với trẻ như một người bạn

Hình: Trường ISSP

Ở độ tuổi mầm non và tiểu học, cha mẹ là người gần gũi, gắn bó và được trẻ tin cậy nhất. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, cha mẹ nên tạo mối quan hệ thân thiết, đồng hành với trẻ như một người bạn, điều đó sẽ giúp các bậc phụ huynh dễ dàng tiếp cận, hiểu trẻ đang nghĩ gì và đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Cha mẹ có thể tận dụng những hoạt động hằng ngày cùng trẻ như khi đi du lịch, đi xem phim, đi siêu thị, những câu chuyện từ sách báo, tivi và thảo luận với trẻ về tình huống đó cũng là phương pháp được nhiều chuyên gia giáo dục đề cập. Ví dụ gặp một người vứt rác trên đường hoặc nói chuyện lớn tiếng trong rạp chiếu phim, hãy hỏi trẻ hành động đó là đúng hay sai, trẻ có suy nghĩ gì… điều đó sẽ giúp trẻ nhớ lâu và dần hình thành những thói quen tốt.

Khi trẻ có một cử chỉ đẹp một thói quen tốt, bằng việc khen ngợi, động viên, khích lệ, cha mẹ cũng đang tiếp một nguồn động lực rất lớn để trẻ tiếp tục tiến bộ tích cực. Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra, cách giáo dục trên tinh thần xây dựng, góp ý, để trẻ được nói lên tiếng nói của mình sẽ đạt hiệu quả hơn thay vì áp đặt trẻ.

Những giờ học không sách giáo khoa

Học sinh lớp 2 Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl (ISSP), quận Bình Thạnh, TP.HCM được thầy cô hướng dẫn tìm hiểu về hành động của bản thân và những người xung quanh. Theo đó các em sẽ được viết những bài văn bắt đầu bằng câu “bạn có biết rằng” để nói về những tình huống thật mình từng chứng kiến. Rất nhiều chủ đề được các em kể lại như: “Bạn có biết ba là người hùng của mình vì ba đã cứu em gái mình khi bị té xuống nước không?”, ”Bạn có biết nếu xe chạy quá tốc độ có thể gây ra tai nạn không?”…

Hoàn thiện nhân cách từ những bài học từ những người xung quanh là vô cùng quan trọng

Hình: Trường ISSP

Cũng ở Trường mầm non và tiểu học quốc tế Saigon Pearl (ISSP), học sinh lớp 5 sau khi hoàn thành kỹ năng viết văn tự sự, các em đã được thực hành viết về những câu chuyện của chính mình và tự đúc kết ra những bài học từ các câu chuyện đó. Đó có thể là trải nghiệm lần đầu tập cưỡi ngựa, trải nghiệm khi chú cá của mình bị bệnh… Sau đó thầy cô giúp các em mở một triển lãm nhỏ trong lớp để học sinh các lớp khác có thể đến đọc và trao đổi với các em về câu chuyện này.

Những nội dung trên thuộc nhóm chủ đề “chúng ta là ai”, một trong sáu chủ đề liên ngành trong chương trình Tú tài Quốc tế bậc tiểu học (IB) mà trong đó trường ISSP đang là ứng cử viên giảng dạy theo khung chương trình này.

Mượn một vài ví dụ từ trường ISSP để thấy rằng, ở những nền giáo dục tiên tiến, những gì trẻ được học ngày nay không còn gói gọn trong sách vở, chữ viết, con số, mà hơn hết, phương pháp giáo dục hiện đại hướng tới việc giúp trẻ xây dựng những tố chất cần thiết để trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai. Trong đó, hoàn thiện nhân cách từ những bài học thực tế đến từ hành động của những người xung quanh là một phần vô cùng quan trọng.

Thầy Lester Stephens trong một buổi rèn luyện Sống Vui Khỏe với học sinh trường ISSP

Hình: Trường ISSP

Chia sẻ thêm về chương trình Tú tài Quốc tế bậc tiểu học, thầy Lester Stephens, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl cho biết: “Tôi đã đứng trên bục giảng từ năm 19, 20 tuổi, chương trình giáo dục lúc đó rất khác bây giờ. Cách đây 30 - 40 năm, học sinh học là để biết. Lúc đó, thầy cô giảng bài, học sinh ghi chép và ghi nhớ kiến thức. Còn bây giờ, học sinh học là để hiểu. Nghĩa là thầy cô đóng vai trò như một người đồng hành, dẫn dắt trẻ tìm hiểu xem mình muốn học gì, nghiên cứu như thế nào. Thầy cô hướng dẫn con đặt câu hỏi, cách nghiên cứu, tìm tòi những kiến thức về chủ đề trẻ muốn học. Như vậy, trẻ được học theo một khái niệm lớn, với nhiều khía cạnh khác nhau. Kiến thức sẽ là kiến thức của con và đồng hành với con trong suốt cuộc đời”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.