Trẻ học sớm chương trình lớp 1: Đừng làm "chín ép" quả xanh

27/04/2005 22:16 GMT+7

Cách đây 7 - 8 năm, ở các tỉnh phía Nam cứ đến học kỳ 2 ở khối học mầm non là các cháu 5 tuổi được bố mẹ rút khỏi trường để đưa đến cho các cô giáo tiểu học dạy chữ trước" - bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Vụ phó Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) nhớ lại.

Những nỗi lo thái quá

Vài năm gần đây, câu chuyện này trở thành một đề tài "đáng báo động" - như lời Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Trịnh Quốc Thái.  Theo đó,  phần lớn các bậc phụ huynh ở đô thị cho rằng: trẻ trước khi vào lớp 1 phải đọc thông viết thạo, bảng chữ cái phải thuộc như cháo chảy và phải biết làm toán nhanh nhoay nhoáy, nếu không sẽ không theo kịp chương trình mới... Xuất phát từ quan niệm này mà nhiều đứa trẻ mới lên 4 - 5 tuổi đã bị các ông bố bà mẹ đưa đi "đào tạo" sớm.

Thời điểm này cũng là mùa "chạy trường", khi các ông bố bà mẹ cố gắng tìm trường điểm cho con. Nếu "gõ" được đúng cửa trường rồi lại phải tiếp tục tìm thầy cô giỏi để kèm cho cháu mấy tháng hè. Một số phụ huynh còn gửi con theo kiểu bán trú. Tiền ăn học của một cháu trung bình một tháng cũng vài trăm nghìn, với phần lớn các bậc phụ huynh ở thành thị thì số tiền đó không phải là quá lớn, điều quan trọng là có được cảm giác yên tâm rằng con của họ sẽ được chuẩn bị tốt khi vào lớp 1. Có những ông bố bà mẹ cũng hiểu rằng chẳng hay ho gì việc cho con học trước, nhưng nhìn xung quanh thấy ai ai cũng chạy đôn chạy đáo lo cho con thì lại thấy... sốt ruột !

Trẻ vào lớp 1 nên chuẩn bị những gì?

Được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu về tâm sinh lý lứa tuổi, GS Trần Trọng Thủy rất phản bác việc dạy cho trẻ học trước chương trình lớp 1: "Các bậc phụ huynh đã nhầm lẫn về sự chuẩn bị tinh thần cho trẻ vào lớp 1 với việc dạy trước chương trình. Nếu ép trẻ học sớm sẽ gây cho trẻ sự ức chế vì hoạt động học tập không hình thành ở trẻ mẫu giáo". Còn ông Trịnh Quốc Thái - Vụ trưởng Vụ Tiểu học thì khẳng định: "Ngày nay các bậc phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con nhưng lại không tìm hiểu những biến đổi về tâm sinh lý trẻ. Nhiều nghiên cứu của Bộ GD-ĐT cho thấy: những đứa trẻ được dạy trước, có thể đọc thông viết thạo, làm được vài con toán, nhưng các em này không xuất sắc hơn những cháu được chuẩn bị kỹ về tâm thế ở bậc mầm non. Sau một thời gian học có cháu còn bị đuối do chủ quan rằng cái gì mình cũng học qua rồi".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho biết: những năm gần đây, trào lưu cho con học sớm chương trình lớp 1 đã trở thành một vấn đề xã hội buộc ngành giáo dục phải quan tâm. Bộ đã xây dựng những chương trình mới chuẩn bị tâm thế cho trẻ mầm non trước khi các em vào lớp 1 như tạo môi trường cho trẻ làm quen với chữ cái, nhưng không đưa chữ viết vào, không dạy trước chương trình... Vụ Mầm non và Vụ Tiểu học đang cùng ngồi lại để tìm ra sự liên thông trong môi trường học tập của trẻ từ mầm non lên tiểu học. Một cuộc hội thảo với nội dung như vậy sẽ được hai vụ tổ chức trong một ngày gần đây.

6 lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1

1/ Chuẩn bị tâm lý khát khao, mong muốn được cắp sách đến trường cho trẻ.
2/ Chuẩn bị cho trẻ những tri thức về thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh qua các hình thức cho trẻ đi tham quan, đi chơi dã ngoại...
3/ Chuẩn bị cho trẻ có ý chí nhất định. Ở lứa tuổi mẫu giáo trẻ đang trong môi trường tự do, thích gì làm nấy, nhưng khi bước vào lớp 1 trẻ buộc phải ở trong khuôn khổ. Nếu không hướng dẫn cho trẻ ý thức thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện mới thì trẻ sẽ không điều chỉnh được hành vi của mình.
4/ Khơi dậy cho trẻ sự ham hiểu biết, điều đó sẽ kích thích trẻ ham học hỏi, thích tìm tòi.
5/ Cần giúp cho trẻ nắm vững và sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ để giúp trẻ học tốt khi bước vào lớp 1.
6/ Chuẩn bị cho trẻ những phẩm chất tâm lý cá nhân để có thể hòa nhập vào môi trường mới và những quan hệ xã hội mới mà môi trường mẫu giáo chưa có.

GS Trần Trọng Thủy

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.